Doanh nghiệp khởi nghiệp cần cơ chế mới cho các mô hình mới

(HQ Online) - Theo đánh giá, hoạt động khởi nghiệp (startup) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với những sản phẩm công nghệ, nền tảng công nghệ hữu ích cho cuộc sống.
Xây dựng mạng lưới cố vấn "đồng hành" cùng hệ sinh thái khởi nghiệp
Công bố dự án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trị giá 1 triệu USD
Hỗ trợ và kết nối thanh niên khởi nghiệp sáng tạo

Chiều 19/1, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ đạo tổ chức Trao giải dự án Khởi nghiệp xuất sắc 2021 và Phát động Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022. Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia được VCCI chỉ đạo tổ chức từ năm 2002 và đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban ngành cùng các địa phương và các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương trao danh hiệu Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021 và tặng hoa cho đại diện tại các địa phương: Tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thành phố Cần Thơ.
Trao danh hiệu Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021.

Phát biểu tại Chương trình, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong khó khăn chung vì đại dịch Covid-19 vẫn có những điểm sáng, nổi lên đó là sức sống của doanh nghiệp Việt Nam và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam.

Chủ tịch VCCI cho biết, trong năm 2021, bình quân mỗi tháng có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó khoảng 10.000 doanh nghiệp thành lập mới.

“Những con số này cho thấy nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế, cũng như tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng mạnh mẽ. Điều này cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Cũng đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách, chủ trương về phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia.

Ông Hiển cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có mức thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước phát triển với mức thu nhập cao. Vì vậy, Đảng và Nhà nước kỳ vọng mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trong đó phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ đột phá chiến lược.

Nói cụ thể hơn về kết quả khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, Việt Nam hiện có hơn 200 quỹ đầu tư, hơn 100 tổ chức về thúc đẩy kinh doanh, hơn 130 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo ra bức tranh khá đầy đủ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, gấp hơn nhiều lần so với cách đây 5 năm. Riêng năm 2021, đã có hơn 1,5 tỷ USD gọi vốn vào các startup của Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt dịch vụ công nghệ.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp của TPHCM tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Nhưng để thúc đẩy khởi nghiệp phát triển hơn, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đang tập trung cao ở các thành phố lớn, nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, nơi tập trung các nguồn lực nhân lực, vốn… nên cần cơ chế mới cho các mô hình mới.

“VCCI cùng với Bộ KHCN là nơi tập hợp từ các sáng kiến công nghệ, chúng ta cần kiến nghị các cơ chế mở đường cho các sáng kiến công nghệ mới. Ngoài ra, Chính phủ phải là nơi đầu tiên sử dụng các sáng kiến công nghệ mới này”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Cùng với đó, vị này cho rằng cần tạo điều kiện, có cơ chế cho phép thử nghiệm mô hình gọi vốn từ cộng đồng để mọi người dân có thể trở thành nhà đầu tư “thiên thần” cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Hơn nữa, các startup khó gọi vốn, còn các quỹ lại “đóng băng” không giải ngân được nên nhiều quốc gia đã triển khai các sàn giao dịch gọi vốn, Việt Nam cũng nên thử nghiệm.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều