Vietcombank và MB nói gì sau khi nhận chuyển giao bắt buộc CB và OceanBank?

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đều cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh.
Những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được lợi gì? Chính thức chuyển giao bắt buộc OceanBank cho MB, CBBank cho Vietcombank Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Các ngân hàng nhận và được chuyển giao cần thực hiện đúng đề án
Vietcombank và MB nói gì sau khi nhận chuyển giao bắt buộc CB và OceanBank?
CB và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) do Nhà nước là chủ sở hữu 100% vốn cho Vietcombank, thông cáo phát đi của Vietcombank cho biết, việc chuyển giao giúp Vietcombank sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới.

Chuyển giao bắt buộc là một trong các phương án để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Việc chuyển giao bắt buộc được thực hiện với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.

Vietcombank có thể nhận sáp nhập, duy trì CB như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng CB cho nhà đầu tư mới trong và sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.

Theo thông cáo, sau chuyển giao bắt buộc, CB tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ.

CB được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB tiếp tục được đảm bảo theo đúng thoả thuận và quy định pháp luật.

CB là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank.

Vietcombank cũng nêu, ngân hàng thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CB theo quy định. Vietcombank không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế.

Vietcombank tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Vietcombank và CB được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, ngay từ năm 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CB. Năm 2022, Vietcombank đã cho CB vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023.

MB Group phát triển thành một tập đoàn với hệ sinh thái bao gồm 3 ngân hàng và 6 công ty thành viên
MB Group phát triển thành một tập đoàn với hệ sinh thái bao gồm 3 ngân hàng và 6 công ty thành viên.

Tương tự, trong thông cáo về việc chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), MB cũng cho biết, đây là dấu mốc quan trọng của MB trước thềm kỷ niệm 30 năm thành lập.

Hoạt động này mang lại cơ hội mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới cho MB và OceanBank, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi khách hàng của OceanBank và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo MB, thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, NHNN, MB và OceanBank đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện các bước chuyển giao một cách thận trọng, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Quá trình tiếp nhận OceanBank về MB đã diễn ra thành công.

MB cho biết sẽ ưu tiên nguồn lực từ phát triển kinh doanh, nguồn vốn, công nghệ, nhân sự... để hỗ trợ thành viên mới vào tập đoàn. OceanBank tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững, hiệu quả, tăng năng lực tài chính và công nghệ.

Hội đồng quản trị MB quyết định cử ông Lê Xuân Vũ, Thành viên Ban điều hành MB là người đại diện MB đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực của OceanBank.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều