VCCI đề xuất phân biệt rõ giữa cắt giảm và chuyển đổi hình thức cấp phép kinh doanh

(HQ Online) - Việc cắt giảm và đơn giản hóa giấy phép kinh doanh sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
Thủ tướng ra công điện hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh EuroCham: Dù còn trở ngại, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng Rào cản thể chế sẽ tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh

Góp ý cho Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng những bước đi này sẽ góp phần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.

VCCI ghi nhận Dự thảo đã đề cập đến mục tiêu cắt giảm giấy phép và thủ tục hành chính nội bộ cũng như số hóa thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, theo VCCI, vẫn thiếu nội dung về cắt giảm các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên cần được thêm vào mục tiêu chung của Dự thảo với tỷ lệ % cụ thể về cắt giảm đến năm 2030.

VCCI đề xuất phân biệt rõ giữa cắt giảm và chuyển đổi hình thức cấp phép kinh doanh
Số lượng thủ tục hành chính được cắt giảm còn khiêm tốn. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, Dự thảo đề ra mục tiêu cắt giảm hoặc chuyển đổi sang hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động cho ít nhất 30% giấy phép cấp mới và 60% giấy phép trong trường hợp điều chỉnh, sửa đổi, cấp lại.

Nhưng VCCI cho rằng, “cắt giảm” giấy phép có thể hiểu là bãi bỏ giấy phép, chuyển sang hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động. Nhưng với hình thức này, giấy phép vẫn tồn tại nhưng thủ tục để thực hiện đơn giản, thuận tiện hơn.

Nên khi so sánh hai hình thức này thì “cắt giảm” là hoạt động có tính chất cải cách mạnh hơn và tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp so với chuyển đổi hình thức cấp phép. Nên điều này có thể khiến cho các cơ quan rà soát có xu hướng lựa chọn chuyển đổi hình thức cấp phép thay vì “cắt giảm”.

Trên thực tế, khi đánh giá về hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Tờ trình Dự thảo cũng đã nêu thực trạng “việc cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính thời gian qua vẫn tập trung chủ yếu ở đơn giản hóa bộ phận tạo thành thủ tục hành chính, số lượng thủ tục hành chính được cắt giảm còn khiêm tốn”.

Do đó, VCCI cho rằng cần tách riêng tỷ lệ mục tiêu cho việc cắt giảm giấy phép và việc chuyển đổi hình thức cấp phép để đảm bảo tính thực chất và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Dự thảo chỉ tập trung vào những trường hợp đã có đủ dữ liệu để cắt giảm giấy phép. VCCI đề xuất mở rộng phạm vi này để bao gồm các trường hợp không cần thiết phải cấp giấy phép, hoặc có thể quản lý bằng hình thức kiểm tra sau (hậu kiểm), thay vì kiểm tra trước (tiền kiểm).

Về rà soát, cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Dự thảo đề xuất bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết. Tuy nhiên, VCCI nhấn mạnh cần làm rõ nội dung này nhằm xác định rõ các điều kiện nào sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn hoặc chuyển đổi từ hình thức cấp phép sang hình thức không cấp phép nhưng vẫn yêu cầu đáp ứng điều kiện kinh doanh.

VCCI cũng đề xuất kéo dài hoặc bãi bỏ thời hạn hiệu lực của các giấy phép không cần thiết để giảm tải gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Về giải pháp thực hiện, theo VCCI, việc tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo và thực hiện các phương án cắt giảm thủ tục hành chính còn hạn chế.

Do đó, VCCI đề xuất bổ sung thêm yêu cầu các bộ, ngành phải lấy ý kiến và có trách nhiệm giải trình rõ ràng trước cộng đồng doanh nghiệp về các phương án cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của các giải pháp.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều