Đầu tư tác động đối mặt thách thức về pháp lý và nguồn vốn

(HQ Online) - Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trước các mục tiêu về xã hội và môi trường, nhưng vẫn cần tiếp tục cải cách nhằm nâng cao tính bền vững và khả năng thích ứng lâu dài.
Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ góp phần cải thiện môi trường đầu tư Giải pháp xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số sản xuất Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng

Đầu tư tác động là một khái niệm đã bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam. Đây là hoạt động đầu tư vào các dự án nhằm tạo ra tác động cho xã hội hoặc môi trường.

Vì thế, đầu tư tác động là một phương thức sáng tạo để thúc đẩy đóng góp của khu vực tư nhân vào sự phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, không nằm ngoài xu hướng thế giới, Việt Nam cũng có một hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng.

Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội và con số này đang có xu hướng tăng liên tục qua từng năm.

Trong đó, số doanh nghiệp tác động xã hội có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 89% và có đến 72% doanh nghiệp loại này có doanh thu dưới 5 tỷ đồng/năm.

Các doanh nghiệp tác động xã hội đang tập trung nhiều trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm; giáo dục đào tạo kỹ năng, tạo sinh kế phi nông nghiệp; tư vấn, hỗ trợ kinh doanh, thủ công mỹ nghệ…

Với hệ sinh thái đầu tư tác động đang phát triển nhanh chóng, theo các chuyên gia, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm đầu tư tác động hàng đầu Đông Nam Á, thu hút nhiều nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp tác động xã hội.

Tại Diễn đàn Đầu tư tác động Việt Nam 2024 với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư tác động cho tương lai bền vững" tổ chức vào ngày 24/10/2024, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) chia sẻ, các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội đang tạo ra một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của các tổ chức kinh doanh truyền thống.

"Khi các tổ chức kinh doanh lựa chọn hoạt động theo hướng tạo ra tác động xã hội và môi trường ngày càng nhiều hơn và phát triển lớn mạnh, vai trò của khối tư nhân trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sẽ được nâng cao", ông Lương Minh Huân nói.

Dự án Sẵn sàng Đầu tư Tác động Việt Nam (IIR-V) được tài trợ bởi Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada (GAC) và thực hiện bởi Quỹ IIX từ năm 2022.
Diễn đàn do Quỹ Impact Investment Exchange (Quỹ IIX) hợp tác cùng Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và VCCI tổ chức.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đầu tư tác động tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về khung pháp lý và tiếp cận nguồn vốn.

Hơn nữa, theo bà Nguyễn Vũ Ánh Ngọc, chuyên viên tư vấn của Vriens & Partners, cộng đồng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đóng góp gần 45% GDP quốc gia và cung cấp hơn 60% việc làm. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, đang đối mặt với rào cản tiếp cận vốn.

Họ gặp phải những thách thức như hiểu biết tài chính hạn chế, thiếu tài sản thế chấp và khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính cho doanh nghiệp...

Vì thế, góp phần hỗ trợ giải quyết thách thức, Diễn đàn đã ra mắt Báo cáo Chỉ số đầu tư tác động (Chỉ số Cam) 2024 - công cụ đo lường đột phá giúp đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia trên con đường hướng đến một tương lai bền vững và bao trùm.

Đây là báo cáo nằm trong chuỗi theo dõi 4 năm về sự phát triển của hệ sinh thái đầu tư tác động tại Việt Nam.

Chỉ số Cam đánh giá ba trụ cột chính: tác động cộng đồng, bình đẳng giới và bảo vệ khí hậu.

Chỉ số Cam Việt Nam 2024 đạt 50 điểm, xếp Việt Nam vào hàng các quốc gia dẫn đầu ASEAN, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41.

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực bình đẳng giới với 49 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và vượt qua phần lớn các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức trong lĩnh vực bền vững môi trường, khi Việt Nam chỉ đạt 43 điểm, chỉ ra những khu vực cần có các can thiệp cụ thể, đặc biệt là trong quản lý chất thải, bảo tồn nước và sức khỏe đất.

TS. Lương Minh Huân nhìn nhận, điểm số thấp ở lĩnh vực môi trường cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư và cải cách chính sách để nâng cao tính bền vững và khả năng thích ứng lâu dài.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều