Dẫn dắt khởi nghiệp từ đổi mới chính sách tại các địa phương

(HQ Online) - Theo các chuyên gia, việc có những cơ chế, chính sách dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương là những nhu cầu hết sức thực tiễn.
Doanh nghiệp cần “bệ đỡ” cho hệ sinh thái khởi nghiệp Giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tự tin bước ra thị trường quốc tế Trong "mùa đông gọi vốn", nhiều chính sách đã ban hành để khuyến khích đầu tư mạo hiểm

Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) đã tổ chức Diễn đàn cấp cao: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023 vào ngày 24/8.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các nội dung triển khai của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2023 và Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 4 - TechFest Quảng Nam 2023 nhằm thực hiện các mục tiêu tại Đề án khởi nghiệp của Chính phủ.

Phiên thảo luận hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Phiên thảo luận hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Động lực cho kinh tế vùng phát triển

Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, đến nay, Việt Nam đang xếp ở vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ đứng sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43) trong các nước Đông Nam Á.

Theo báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế nên việc thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo sẽ là một động lực để kinh tế khu vực này phát triển bền vững.

Riêng với tỉnh Quảng Nam, VCCI ghi nhận đây là tỉnh có nhiều sáng tạo trong công tác hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, nỗ lực xây dựng các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, mở rộng liên kết hợp tác ngoài tỉnh đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Cũng về vấn đề này, theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận thức được tầm quan trọng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách cũng như huy động mọi nguồn lực để khởi động chương trình khởi nghiệp và chính thức vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp từ năm 2018.

Hiện Quảng Nam cũng là địa phương dẫn đầu về hợp tác, liên kết trong xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam đã có cơ hội được tham gia ở chuỗi các hoạt động hàng năm như hỗ trợ huấn luyện theo mô hình 1-1-1 (1 huấn luyện viên – 1 cố vấn – 1 nhóm dự án) với thời gian 2-4 tháng…

Cùng với tỉnh Quảng Nam, một số tỉnh/thành khác của khu vực vực miền Trung – Tây Nguyên cũng đã được bình chọn danh hiệu địa phương tiêu biểu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp như tỉnh Thừa Thiên - Huế (năm 2021), Nghệ An (năm 2022).

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, địa phương đã nỗ lực chuyển hóa sự hỗ trợ của nhà nước thành chính sách cụ thể, tạo ra liên kết giữa các tổ chức chính trị - xã hội, như “phụ nữ khởi nghiệp”, “thanh niên khởi nghiệp”…, có sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp lớn tạo ra "vườn ươm".

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) khẳng định, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có mô hình "vườn ươm doanh nghiệp" theo phương thức hợp tác công tư đầu tiên và duy nhất hiện tại Việt Nam.

Kinh nghiệm của DNES ban đầu là thành lập hội đồng mạng lưới điều phối khởi nghiệp của thành phố tập hợp của tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các sở, ban ngành. Trên cơ sở đó có một chiến lược chung để định hướng và dẫn dắt khởi nghiệp của địa phương đi đúng hướng…

Kiến tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp

Tuy nhiên, do khởi nghiệp là lĩnh vực khá mới mẻ, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, nên các chuyên gia đánh giá, nhiều địa phương triển khai còn chậm, công tác kết nối nhà đầu tư chưa hệ thống, bài bản, cùng với đó là vấn đề thương mại hóa và tăng nhanh sản phẩm của nhiều dự án khởi nghiệp gặp khó khăn…

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, liên kết vùng phát triển hệ sinh thái với những nội dung trọng tâm như xây dựng một mạng lưới liên kết các sáng kiến, hoạt động, phát triển các hành lang đổi mới sáng tạo, xây dựng những cụm đổi mới sáng tạo theo những trục kinh tế lớn, gắn chặt với định hướng phát triển vùng Miền Trung - Tây Nguyên là hoạt động cần quan tâm và chú trọng.

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề xuất các địa phương cần khai thác có hiệu quả hơn nữa những tài nguyên bản địa. Cùng với đó, cần tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội, cần có những định hướng, chủ trương bao quát làm nền tảng cho sự phát triển.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khuyến nghị, các cấp, các ngành, địa phương cần xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tập trung xây dựng thể chế, chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong đó, tập trung vào các vấn đề nguồn vốn, nhân lực, khoa học công nghệ theo hướng phù hợp với thị trường, thông lệ quốc tế, thí điểm đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, phá bỏ những nút thắt, rào cản để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoặc khuyến khích cơ chế đặt hàng của nhà nước.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều