Tương lai sáng cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam

(HQ Online) - Sách Trắng 2021 do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố đã nhận định, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước để tăng tính hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư và kinh doanh.
Sự lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu về kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng
EuroCham kỳ vọng sớm khôi phục sản xuất, đẩy nhanh "hộ chiếu vắc xin" điện tử
Kêu gọi tập đoàn EU đầu tư sản xuất vắc xin tại Việt Nam
Bosch có lộ trình trong 5 năm tới tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Bosch có lộ trình trong 5 năm tới tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Tốc độ tăng trưởng kinh doanh tại Việt Nam sẽ khởi động lại mạnh mẽ

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ngày càng phát triển mạnh. Hiện nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm tại Việt Nam, tham gia đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và ở các tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, những quan hệ này đều đang đứng trước thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai phát triển.

Nói về vấn đề này, ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam chia sẻ, tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 được cảm nhận rõ ràng nhất tại nhà máy Bosch tại Đồng Nai - một trong những nhà máy sản xuất dây curoa hộp số biến thiên liên tục (CVT) lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ chính sách tiêm chủng của Chính phủ ưu tiên công nhân nhà máy, những hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn từ Chính phủ đến địa phương, nên “cuộc chiến” với Covid-19 mặc dù không dễ dàng nhưng Bosch Việt Nam vẫn cam kết với các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

“Việt Nam có một lực lượng lao động lớn, trẻ và có trình độ cao trong ngành sản xuất, sẵn sàng cho việc sản xuất ngày càng nhiều chủng loại sản phẩm. Đây là những điểm vô cùng thuận lợi để chúng tôi tiếp tục sự phát triển trong tương lai tại Việt Nam”, ông Lionel Adenot, Giám đốc Quốc gia, Decathlon Việt Nam kỳ vọng.

Với tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển hàng đầu của Tập đoàn Bosch toàn cầu, ông Guru Mallikarjuna cho hay, Bosch có lộ trình trong 5 năm tới tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam bằng cách tăng gấp đôi công suất của Trung tâm Phần mềm cùng với việc thành lập một chi nhánh mới tại Hà Nội, mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai và thành lập văn phòng công ty tại TPHCM.

Tương tự, ông Emin Turan, Tổng giám đốc Sanofi Đông Dương (quản lý 2 thị trường Việt Nam và Campuchia) cũng chia sẻ dự định sẽ đầu tư mở rộng công suất, địa điểm sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Sanofi sẽ hỗ trợ hệ sinh thái năng lượng thông qua dự án chuyển đổi năng lượng sinh khối với vốn đầu tư 1,2 triệu Euro…

Nói về nguyên nhân đầu tư vào Việt Nam, ông Emin Turan cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, có khả năng phục hồi sau đại dịch, lực lượng lao động trình độ cao cùng vị trí địa lý thuận lợi cho thương mại.

Còn theo ông Lionel Adenot, Giám đốc Quốc gia, Decathlon Việt Nam, Việt Nam đang và sẽ vẫn là một quốc gia sản xuất quan trọng. Các kế hoạch kinh doanh và phân bổ sản lượng của Decathlo cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh doanh tại Việt Nam sẽ khởi động lại mạnh mẽ vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ tăng tốc trong những năm tới.

Thúc đẩy đầu tư có lượng

Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho những kế hoạch này, Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần phải có chính sách thúc đẩy đầu tư có chất lượng, trong đó chú trọng phát triển vốn con người, bởi lực lượng lao động có kỹ năng cao là cấp thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, vị Tổng giám đốc Sanofi Đông Dương lại cho rằng, Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch trong các thủ tục hành chính, có tầm nhìn dài hạn và hiệu suất trong các chiến lược phát triển kinh tế…

Đồng quan điểm, đại diện doanh nghiệp Decathlon cho rằng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Trong ngắn hạn, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ việc tiêm phòng đầy đủ cho công nhân làm việc trong tất cả các nhà máy cung ứng, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về sản xuất, Việt Nam cần tăng tốc việc nội địa hóa các hoạt động đầu vào của chuỗi giá trị đó là sợi, nguyên vật liệu... Các doanh nghiệp châu Âu mong muốn có những hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thực hiện chuyển đổi tự động hóa và số hóa nhằm đạt được năng suất, hiệu quả cao hơn. Về phát triển bền vững, các doanh nghiệp từ EU mong có những hỗ trợ việc sử dụng nguyên liệu sinh khối, tăng cường thay thế than đá vốn vẫn được sử dụng rất nhiều trong các quá trình nhuộm hay thuộc da.

Về hoạt động logistics, ông Lionel Adenot đặt kỳ vọng vào sự phát triển của vận tải đường sắt, giải pháp trung gian thay thế cho vận tải đường biển và đường hàng không. Với lĩnh vực hải quan, vị này bày tỏ sự mong đợi một hệ thống được số hóa đồng bộ hơn và giảm thiểu những quy định, quy trình còn chồng chéo.

Để phát triển về du lịch, ông William Haandrikman, Tổng Giám đốc Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Tổng Giám đốc Khu vực của Accor North Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện đang ở giữa “ngã ba đường” để lựa chọn hướng đi nào sẽ quyết định sự thành bại trong công cuộc phục hồi ngành du lịch. Do đó, vị này khuyến nghị chuẩn bị các giải pháp công nghệ như ứng dụng IATA (Hộ chiếu sức khỏe điện tử) cho phép công nhận lẫn nhau.

Cũng về vấn đề này, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, 35% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá thủ tục hành chính vẫn là rào cản khi triển khai EVFTA. Do đó, để thu hút FDI từ châu Âu về Việt Nam, Việt Nam cần sửa đổi quy định thu hút đầu tư. Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều