"Thực chiến" trong đào tạo cho nguồn nhân lực hội nhập quốc tế

(HQ Online) - Đào tạo nhân lực để phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp luôn là vấn đề cần sự phối hợp giữa “2 nhà” là nhà trường và nhà kinh doanh.
Đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn cần sự đồng bộ Thiếu hụt nghiêm trọng và nhiều tác động tới nguồn nhân lực cảng biển Giải nghịch lý để đón cơ hội từ các "đại bàng" công nghệ
VNPT Technology
Đạo tạo nhân lực cần sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ảnh minh họa: VNPT Technology

Trong báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ mới đây của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đứng đầu các nước trong khu vực, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, tuy nhiên xét về nhân lực sẵn sàng cho phát triển kinh tế số, Việt Nam lại đang đứng cuối bảng.

Trong khi đó, đây là vấn đề đã được các quốc gia phát triển chú trọng từ lâu, nhưng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại toạ đàm: "Tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn, hội nhập quốc tế" trong khuôn khổ Hội nghị công giới năm 2024 được Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức vào ngày 2/11/2024, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam cho rằng, các chương trình đào tạo cần nền tảng gắn với thực tiễn cuộc sống để có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Hiệu, nhiều sinh viên ra trường vẫn chưa hiểu môi trường làm việc và cách thức vận hành tại doanh nghiệp như thế nào...

Hơn nữa, nền kinh tế số đòi hỏi rất nhiều về kỹ năng làm việc với công nghệ, nhất là kỹ năng làm việc với trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm khai thác và vận dụng tốt AI trong nâng cao năng suất, tạo hiệu quả lớn hơn cho công việc.

Lãnh đạo FiinGroup Việt Nam còn đề xuất, các trường đại học, trường nghề nên tạo môi trường thử nghiệm (sand box) để thử nghiệm nhưng sáng kiến mới, tìm kiếm giải pháp phù hợp cho nền kinh tế nhiều thay đổi như hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Pro Sports cho hay, các trường học cần xây dựng các chương trình đào tạo có tính “thực chiến”, cũng như chia sẻ nghị lực và truyền tải tri thức cho sinh viên tìm kiếm con đường thành công.

Toạ đàm "Tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn, hội nhập quốc tế". Ảnh: H.Dịu

Cũng tại chương trình, báo cáo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết đã tổ chức hội nghị công giới năm 2023 và nhận được nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng.

Các ý kiến cho rằng nhà trường cần tiếp tục tăng cường đào tạo gắn kết với thực tiễn, tạo điều kiện cho người học có thêm cơ hội trải nghiệm thực tế, thực hành, áp dụng các kiến thức học được vào giải quyết các bài tập tình huống góp phần tăng cường tính “thực chiến” của người học.

Nhà trường cũng cần trang bị cho sinh viên thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để thích nghi với yêu cầu của nền kinh tế số, xã hội số.

Trả lời kiến nghị này, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay đã nghiên cứu và tích hợp nhiều phần mềm vào giảng dạy và học tập; xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo các khóa đào tạo ngắn hạn về dữ liệu và ứng dụng AI với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như VNPT AI...

Về vấn đề này, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, mô hình hợp tác đào tạo gắn kết thực tiễn giữa nhà trường với doanh nghiệp, mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo gắn với các bài toán thực tiễn tại địa phương... đã đem lại hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu về nhân lực của thị trường.

Theo PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, các doanh nghiệp đang thể hiện trách nhiệm của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều