Tổng tài sản của BIDV đã đạt gần 2 triệu tỷ đồng

(HQ Online) - 6 tháng đầu năm 2022, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tích cực, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại nhích tăng nhẹ so với hồi cuối năm 2021.
BIDV đặt kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 61.200 tỷ đồng
BIDV thay đổi bộ nhận diện thương hiệu
“So găng” kết quả kinh doanh ở 4 ngân hàng lớn
Hoạt động giao dịch tại BIDV.
Hoạt động giao dịch tại BIDV.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, tại thời điểm 30/6/2022, BIDV đang sở hữu tổng tài sản trên 1,98 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với đầu năm và cao nhất hệ thống.

Trong đó, cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% và cũng chiếm thị phần lớn nhất hệ thống. Tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm.

Mặc dù đứng đầu hệ thống về quy mô, nhưng lợi nhuận của BIDV vẫn đang đứng sau nhiều ngân hàng khác. Trong quý 2/2022, BIDV ghi nhận lãi trước thuế đạt 6.570 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với lợi nhuận này, BIDV đang đứng vị trí cuối cùng trong "big 4" ngân hàng TMCP quốc doanh và đứng sau 3 ngân hàng thương mại cổ phần khác. Cụ thể tính đến thời điểm này, BIDV đang đứng ở vị trí thứ 7, sau Vietcombank, Agribank, VPBank, Techcombank, MB, VietinBank.

Trong quý 2/2022, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 13,1% lên 14.619 tỷ đồng; lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt hơn 624 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ mảng dịch vụ giảm 13,7% mang về 1.502 tỷ đồng. Trong mảng mua bán chứng khoán kinh doanh, ngân hàng ghi nhận lỗ hơn 64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 122 tỷ đồng.

Tổng thu nhập lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro (giảm 25%) nên lợi nhuận trước thuế trong kỳ tăng mạnh gần 41%.

Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của BIDV đã nhích tăng nhẹ, hiện ở mức 1,02% tổng dự nợ, tăng so với mức 0,99% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trang trải nợ xấu riêng ngân hàng đạt 279%, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021. BIDV cho biết đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ.

Năm 2022, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng tuân thủ giới hạn được giao; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) ≤85% theo quy định, dự kiến 10%; lợi nhuận trước thuế riêng khối ngân hàng thương mại đạt 20.000 tỷ đồng, hợp nhất 20.600 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, BIDV đã thực hiện đc gần 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều