“So găng” kết quả kinh doanh ở 4 ngân hàng lớn
16 ngân hàng đã giảm lãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt cam kết | |
WB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc nhưng cảnh báo chất lượng tài sản ngân hàng | |
Hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng ồ ạt "tung vốn" ưu đãi từ đầu năm |
Vietcombank vẫn giữ vị trí quán quân lợi nhuận. |
Theo thống kê từ báo cáo tài chính và báo cáo kết quả kinh doanh của 4 ngân hàng năm 2021, lợi nhuận trước thuế 4 ngân hàng này thu được đạt hơn 73.000 tỷ đồng, chiếm 37% tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính. Tổng lợi nhuận này tăng 17,1% so với mức gần 62.400 tỷ đồng năm liền trước.
Cụ thể, Vietcombank vẫn giữ vị trí quán quân lợi nhuận với trên 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Đứng thứ 2 là VietinBank với 17.589 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với năm 2020. Agribank chưa công bố báo cáo tài chính nhưng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022, lãnh đạo Agribank cho biết, năm 2021 lợi nhuận đạt 14.500 tỷ đồng. Cuối cùng là BIDV đạt 13.601 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Lợi nhuận 4 ngân hàng này vẫn thuộc nhóm 10 ngân hàng lợi nhuận cao nhất, song đây cũng là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu ở mức cao.
Đáng chú ý, VietinBank đã vượt BIDV để trở thành ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất tới 14.300 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với cuối năm 2020. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đến 31/12/2021 tăng từ 0,9% lên gần 1,3%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ xấu nhóm 3) tăng mạnh nhất, gấp 3,8 lần so với đầu năm.
Với chất lượng tín dụng như thế nên VietinBank dành ra gần 18.382 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận gần như đi ngang.
Tại BIDV, nợ xấu nội bảng vào cuối năm 2021 đã giảm hơn 38% xuống còn 13.245 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BIDV cũng vì thế giảm từ 1,8% xuống chỉ còn 1%. Nợ xấu của BIDV giảm mạnh chủ yếu là do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh trong gần 1 năm qua.
Trong năm, BIDV trích ra hơn 29.430 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 26% so với năm trước, nhưng nhờ tăng thu nhập nên BIDV vẫn báo lãi trước thuế tăng đến 51%, vượt gần 5% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tại Vietcombank, nợ xấu tăng từ 5.230 tỷ đồng lên 6.121 tỷ đồng, trong đó tăng mạnh nhất là nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) khi tăng tới gần 4 lần, lên hơn 965 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3 và nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ, lần lượt 11,2% và 1,7%.
Riêng Agribank hiện vẫn chưa có báo cáo tài chính nên chưa có con số nợ xấu tính đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, tính đến giữa năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của Agribank là 1,9%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng mạnh lên 130% so với mức xấp xỉ 100% cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) của ngân hàng giảm khá mạnh (giảm 13%) so với cuối năm 2020.
Về tổng tài sản, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,76 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. VietinBank đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 14%. Vietcombank đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2020.
Về kết quả giảm tiền lãi để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp theo cam kết từ 15/7/2021 đến 31/12/2021, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 4 “ông lớn” ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn giảm nhiều nhất trong số 16 ngân hàng, lần lượt là 5.512 tỷ đồng, 4.635 tỷ đồng, 4.128 tỷ đồng, 2.259 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch 10/2, trong 3 ngân hàng đang niêm yết, VCB của Vietcombank vẫn giữ giá cao nhất khi niêm yết ở mức 91.300 đồng/cổ phiếu, tăng 16,8% so với phiên cuối năm 2021. Đứng thứ 2 là BID của BIDV khi ở mức 48.400 đồng/cổ phiếu, tăng 33%; CTG của VietinBank ở mức 36.750 đồng/cổ phiếu, tăng 7,2% so với chốt phiên 31/12/2021.
Ý kiến bạn đọc