Đề xuất 2 ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh
Cơ quan Thuế sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp trong hoãn xuất cảnh do nợ thuế để tháo gỡ cho người nộp thuế. Ảnh: ST |
Nợ thuế quá hạn từ 100 triệu đồng trở lên bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính đang xây dựng quy định cụ thể về áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị nợ thuế. Nghị định này dự kiến có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 1/1/2025.
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi các luật thuộc lĩnh vực tài chính (Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật xử lý vi phạm hành chính), Bộ Tài chính đề xuất việc áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Với doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Việc tạm hoãn xuất cảnh ngay cũng áp dụng đối với những trường hợp nợ thuế là cá nhân/chủ hộ kinh doanh, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cơ quan Thuế thông báo cho người nộp thuế qua phương thức điện tử.
Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử hoặc trường hợp đối tượng nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì sẽ có thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực thi.
Tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh
Lí giải về lựa chọn ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 10 triệu đồng trở lên; cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ 100 triệu đồng trở lên: cơ quan soạn thảo cho biết, ngưỡng nợ này căn cứ vào số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, căn cứ vào nguồn lực của cơ quan quản lý thuế, vừa tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu NSNN, vừa đảm bảo công tác thu NSNN, công tác quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế.
Đối với việc lựa chọn thời gian nợ trên 120 ngày, theo quy định hiện hành, người nộp thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày thì thông thường cơ quan Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc người nộp thuế như gửi thông báo nợ cho người nộp thuế (3 kỳ thông báo), áp dụng biện pháp cưỡng chế (trích tiền từ tài khoản/phong tỏa tài khoản/khấu trừ tiền lương, thu nhập/dừng thủ tục hải quan), công khai thông tin....
Việc lựa chọn thời gian nợ trên 120 ngày đồng thời để đảm bảo công tác thu hồi nợ đọng thuế, tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài khó thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, nhóm nợ có thời gian nợ từ 120 ngày trở lên cũng đã được phân loại thành nhóm nợ theo dõi riêng và đàm bảo đáp ứng trên ứng dụng quản lý thuế để cơ quan Thuế có thể triển khai thực hiện ngay khi Nghị định ban hành.
Riêng đối với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký mà vẫn còn nợ thuế thì cần áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi được nợ thuế vào NSNN.
Đối với trường hợp này, tại dự thảo Nghị định không quy định ngưỡng nợ và thời gian nợ mà quy định áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Cơ quan quản lý thuế thông báo về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Ý kiến bạn đọc