Hồi phục "sức khoẻ" doanh nghiệp nhà nước sau 6 năm về "siêu Ủy ban"
Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: CMSC |
Theo Văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ nêu rõ định hướng kế hoạch sắp xếp đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động.
Đơn vị sẽ chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về các Bộ quản lý ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 của Ủy ban vào ngày 6/12/2024, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ đồng tình và thống nhất cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chủ tịch Ủy ban cũng khẳng định, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty vẫn luôn nỗ lực cố gắng, phát huy tối đã năng lực, trách nhiệm để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018.
Theo thông tin từ Ủy ban, những năm qua, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã chủ động tái cơ cấu, đổi mới, hiện đại hoá... thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Đồng thời gia tăng giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hoá công nghiệp cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng sản phẩm và khối lượng sản xuất các mặt hàng nông, lâm nghiệp đáp ứng cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu...
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong giai đoạn 2018-2023, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm hoặc có nguy cơ thua lỗ khi chuyển giao về Ủy ban, sau khi quá trình tái cơ cấu, kiện toàn thay thế cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến nay đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi. Chẳng hạn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các Tổng công ty: Đầu tư và phát triển đường cao tốc, Hàng hải Việt Nam, Lương thực Miền nam, Cà phê Việt Nam, Đường sắt Việt Nam... |
Tổng kết năm 2024, tình hình tài chính hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, doanh thu ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng (bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng (bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ).
Giá trị nộp NSNN ước đạt 206.206 tỷ đồng (bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ).
Theo báo cáo mới đây về kết quả kinh doanh năm 2024, nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh.
Chẳng hạn, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ước tính lợi nhuận sau thuế ước đạt 10.707 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ước lợi nhuận trước thuế ước đạt 11.981 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) ước lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 3.746 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023...
Về tình hình đầu tư phát triển, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2023, với nhiều dự án trọng điểm của quốc gia.
Xây dựng nút giao tại dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, trong 6 năm qua, công tác nổi bật và được tập trung quyết liệt chính là công tác xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án âm 33,41 tỷ đồng, giảm hơn 4.018 tỷ so với cùng kỳ 2016; tổng nợ phải trả hơn 58.504 tỷ (tăng 3.440 tỷ so với 2016)...
Nhưng với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ủy ban đã triển khai thực hiện 11/12 dự án.
Hiện nay toàn bộ 11/11 dự án, doanh nghiệp được giao Ủy ban trực tiếp xử lý đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương để thực hiện (riêng dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam do Bộ Công Thương xử lý).
Các dự án, doanh nghiệp sau khi có phương án xử lý đã được tái cơ cấu, tái khởi động hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo dòng tiền trả nợ ngân hàng, cung ứng sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động...
Bên cạnh đó, một loạt dự án lớn khác lâm vào bế tắc, đình trệ cũng đã được Ủy ban với vai trò được giao chủ động phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… thúc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác hoặc khởi công.
Chẳng hạn như: Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2; dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 01 - Dự án thành phần 3; dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng Nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài; dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành...
Ý kiến bạn đọc