PCI 2020 cảnh báo quy mô doanh nghiệp FDI giảm dần
PCI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu năm thứ 4 liên tiếp, Bạc Liêu đứng cuối cùng | |
Cải cách thủ tục hành chính phải theo xu hướng điện tử hóa | |
APCI 2020: Dư địa cải cách thủ tục hành chính còn rất lớn |
Nhiệt kế doanh nghiệpFDI (triển vọng kinh doanh trong 2 năm tới của các doanh nghiệp FDI) theo thời gian. Nguồn: PCI 2020 |
Báo cáo PCI 2020 cho biết, vài năm gần đây, trong khi số lượng doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng lên, thì quy mô vốn đầu tư và lao động trung bình của khối này lại đang có xu hướng thu nhỏ dần.
Một số chuyên gia khác cũng đã cảnh báo về việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam với vai trò vệ tinh – cung ứng cho các dự án FDI lớn. Các doanh nghiệp này có thể chiếm mất thị phần của các nhà cung ứng trong nước và cản trở các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI nhấn mạnh, lần đầu tiên trong 11 năm điều tra PCI-FDI, tỷ lệ doanh nghiệp có dưới 5 lao động đã vượt quá 10%, chính xác là 10,8% so với mức 9,1% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5-9 lao động cũng tăng từ 10,6 lên 11,3%.
Bên cạnh đó, dấu hiệu đảo ngược này cũng diễn ra với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có số vốn dưới 0,5 tỷ đồng chỉ là 9,8%. Một năm sau, con số này tăng lên mức cao kỷ lục 13,1%. Với nhóm doanh nghiệp lớn, chỉ có 3,7% doanh nghiệp FDI có số vốn chủ sở hữu từ 200 đến 500 tỷ đồng, và chỉ 4,6% doanh nghiệp có số vốn trên 500 tỷ đồng (so với con số tương ứng 5,0 và 5,1% năm 2019).
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cũng như ở các nước khác, dường như doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã buộc phải cắt giảm quy mô lao động và ngừng đầu tư để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn dưới sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nguồn: PCI 2020 |
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp FDI vẫn khẳng định, Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã chuyển hóa một số điểm yếu trước đây thành lợi thế so sánh với các nước trong khu vực, như yếu tố rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh và bất ổn chính sách.
Tuy nhiên, qua kết quả điều tra PCI 2020, các doanh nghiệp FDI cũng đưa ra một số khía cạnh đáng quan ngại, đó là kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công.
Dù những lĩnh vực này đã có cải thiện rõ nét nhưng năm 2020, chỉ có 27% doanh nghiệp FDI đánh giá mức độ tham nhũng ở Việt Nam ít phổ biến hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh đó, chỉ có 32% doanh nghiệp FDI cho rằng hệ thống thủ tục, quy định hoặc cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt hơn các nước này, trong khi khoảng 42% doanh nghiệp FDI nhận định chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn.
Nguồn: PCI 2020 |
Đối với thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, điều tra PCI 2020 cho biết, 30% doanh nghiệp FDI đã tự thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu. Khoảng 36% doanh nghiệp FDI đã sử dụng dịch vụ của đại lý hải quan và số còn lại thực hiện theo phương thức ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục.
Liên quan đến các thủ tục liên quan đến xác định trị giá hải quan và mã số hàng hóa (theo hệ thống phân loại hàng hóa “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa”), tỷ lệ doanh nghiệp FDI đánh giá các thủ tục này là “khó thực hiện” lần lượt là 39% và 38%.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, thực tế này cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Do đó, thông qua báo cáo PCI 2020, các doanh nghiệp FDI kiến nghị, Việt Nam có thể đẩy mạnh đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thực hiện hiệu quả các cải cách nhằm hoàn thiện các khâu, các bước còn nhiều bất cập trong các thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực.
Ý kiến bạn đọc