Thích ứng với môi trường đa văn hoá khi kinh doanh toàn cầu
Văn hoá doanh nghiệp “soi đường” cho phát triển bền vững Bối cảnh càng nhiều thay đổi, văn hoá doanh nghiệp càng phải vững vàng Văn hoá doanh nghiệp khơi dậy động lực thúc đẩy sáng tạo |
Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) và các đơn vị phối hợp tổ chức Diễn đàn thường niên về văn hoá doanh nghiệp. Ảnh: HD |
Tại toạ đàm chủ đề “Môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu” trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư năm 2024 được tổ chức vào chiều 10/11/2024, các doanh nghiệp và chuyên gia đã nhấn mạnh đến những tác động của môi trường đa văn hóa đến phát triển kinh doanh hiện nay.
Chia sẻ từ góc nhìn của các doanh nghiệp tại Hàn Quốc, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, để vươn ra thị trường quốc tế thì cần tinh thần dám mạo hiểm cũng như nêu cao chất lượng.
Chẳng hạn tại Samsung, trước đây 90% doanh thu phát sinh trong Hàn Quốc, nhưng sau khi định hướng trở thành tập đoàn đa quốc gia, thì hiện có tới 95% doanh thu từ nước ngoài.
Hay Hyundai cũng đã liên tục cải tiến chất lượng, để hiện trở thành một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Vì thế, theo ông Hong Sun, Việt Nam cũng đang có nhều tập đoàn, doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ nhanh và mạnh, thì cần nỗ lực để vươn ra thị trường nước ngoài, trong đó cần lấy văn hoá là nền tảng để kinh doanh, nêu cao tinh thần học hỏi từ các đối tác quốc tế.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác đa quốc gia, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, từ năm 1999, nhà máy lọc hoá dầu bắt đầu hợp tác với Nga.
Sau khi đối tác Nga rút vốn thì Công ty ký hợp đồng với tổ hợp nhà thầu của Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha, sau đó tiếp tục hợp tác với nhà thầu của Hàn Quốc, làm việc với các công ty tư vấn của Anh, Hàn Quốc… cùng rất nhiều nhà thầu cung cấp thiết bị.
Làm việc trong môi trường đa văn hoá thì phải nêu cao tinh thần hợp tác. Ảnh: BSR |
Theo ông Hội, thời gian đầu hợp tác với các đối tác quốc tế rất khó khăn, gần như là “đấu tranh” mà không phải là “hợp tác”, do những khác biệt trong văn hoá kinh doanh giữa đối tác nước ngoài và lao động Việt Nam.
Chẳng hạn, đối tác nước ngoài khi làm việc có kế hoạch rõ ràng, đúng giờ giấc trong khi tính tuân thủ của lao động Việt Nam ít hơn, kế hoạch cũng có nhiều thay đổi.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2024. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn. |
Hay khi doanh nghiệp phát động các “phong trào thi đua” thì đối tác Nhật Bản không hiểu và không có khái niệm về phong trào này, do họ làm việc theo hợp đồng, tiến độ và chất lượng… nên phải mất một thời gian thuyết phục, lý giải thì họ mới hiểu và thực hiện.
Với những ví dụ nêu trên, lãnh đạo BSR khẳng định, khi làm việc trong môi trường đa văn hoá thì phải nêu cao tinh thần hợp tác, hiểu về văn hoá của nhau.
Nhưng đặc biệt cần có nội lực là nền tảng tri thức vững chắc, trình độ ngoại ngữ, thông qua các buổi hoạt động nhóm… để giúp niềm tin của người lao động, lãnh đạo tăng lên, tương tác công việc trên cơ sở bình đẳng.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho rằng, làm việc trong môi trường đa văn hoá thì việc đào tạo nhân lực để thích ứng là rất quan trọng.
Do đó, các chương trình đào tạo cần có sự phối hợp, đặt hàng từ các doanh nghiệp để có thể điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Hơn nữa, ông Hong Sun cho rằng, các doanh nghiệp phải có sự hỗ trợ của nhà nước để dám đầu tư và hợp tác với đối tác nước ngoài, bởi thị trường quốc tế rất rộng lớn, nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế sẽ khó thực hiện hơn.
Đồng thời, theo các chuyên gia, khi đầu tư và hợp tác với quốc tế, ngoài việc am hiểu văn hoá kinh doanh của nước sở tại, các doanh nghiệp phải tích hợp kiến thức, gia tăng độ “thực chiến”, cũng như kết hợp với các tổ chức, chuyên gia tư vấn đề hoạt động thuận lợi hơn, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu quốc tế.
Ý kiến bạn đọc