Gian lận thương mại ngày càng tinh vi, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chân chính

(HQ Online) - Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều phức tạp dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc ngăn chặn và xử lý vi phạm. Nên theo các doanh nghiệp, công tác đấu tranh và phòng, chống cần được thực hiện quyết liệt hơn.
Hải quan Thái Nguyên ngăn buôn lậu và gian lận thương mại dịp cuối năm Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm Hà Tĩnh: Các lực lượng “bắt tay” cùng chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 474 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2023, theo Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải Quan) cho biết
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải Quan) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: HD

Phát biểu tại Diễn đàn "Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào ngày 11/1, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải Quan) cho biết, lực lượng Hải quan đã chung tay, phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường và lực lượng chống buôn lậu cũng như cùng các tổ chức quốc tế để ngăn chặn, có giải pháp nhận diện từ sớm từ xa, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm sản xuất, đảm bảo giá trị sản phẩm của doanh nghiệp.

Đặc biệt, đại diện Tổng cục Hải quan cũng khẳng định luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu. Ông Hoàn cho biết, lãnh đạo Tổng cục Hải quan có nhiều chỉ đạo quyết liệt đến các cục, chi cục hải quan địa phương để chống sách nhiễu, phiền hà và phòng, chống những hành vi tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cũng đánh giá, những vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, núp bóng doanh nghiệp và lợi dụng chế độ thông thoáng của nhà nước vẫn còn rất nhiều, với muôn hình vạn trạng. Hàng hóa vận chuyển qua các cửa khẩu dù qua soi chiếu phát hiện nhiều vi phạm, nhưng với những thủ đoạn tinh vi thì hàng hóa vi phạm pháp luật vẫn không ngừng gia tăng.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại những mặt hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh... cũng có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nguyên nhân là một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, sơ hở. Các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, mức độ tính răn đe còn thấp…

Bà Nguyễn Thị Phỉ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SYA QUA AND cho biết, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chất dinh dưỡng cho tôm ốc nhưng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn, nhất là nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đối phó với cơ quan kiểm tra về thành phần công bố hoặc lợi nhuận mà quên đi những quyền lợi của khách hàng. Theo đó, vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều sản phẩm tăng độ đạm để lớn đẩy giá cao thu nhiều lợi nhuận hơn, nhưng đẩy rủi ro về cho nông dân.

Tương tự, theo đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, phân bón giả, phân bón kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp. Người sử dụng rất khó phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả, có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm, có người phó thác vào uy tín của đại lý làm ăn lâu năm… Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả cây trồng, sức khỏe người sử dụng và hệ sinh thái môi trường.

Ngoài ra, hiện kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website thương mại điện tử, đặc biệt các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội… cũng ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung.

Từ thực trạng này, các doanh nghiệp kỳ vọng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, với sự đồng thuận, đồng lòng của cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã ý thức và chủ động hơn trong việc phòng chống hàng giả, như sử dụng các công nghệ bảo mật, sử dụng mã QR để xác nhận nguồn gốc…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều