Chủ tịch HĐQT ABBank: Cổ đông có sẵn sàng 3-5 năm tới không chia cổ tức?

(HQ Online) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Đào Mạnh Kháng đã đặt câu hỏi về việc cổ đông có sẵn sàng đồng hành, chấp nhận 3-5 năm tới giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào hệ thống, nhân lực, giúp ngân hàng tăng tốc phát triển.
Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng đã cận kề, nhiều thông tin mới được hé lộ
Sẽ có nhiều vấn đề "nóng" tại đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng
ABBank dự định tăng vốn điều lệ lên 9.400 tỷ đồng cho chuyển đổi số
ĐHĐCĐ ABBank. Ảnh: H.Dịu
ĐHĐCĐ ABBank. Ảnh: H.Dịu

Hụt thu từ bảo hiểm

Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 được ABBank tổ chức vào ngày 28/4/2023, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022 chưa đạt được do thị trường biến động, nhiều yếu tố tiêu cực, bất ổn gây ảnh hưởng đến mảng kinh doanh nguồn vốn. Bên cạnh đó, năm 2022 phát sinh chi phí bồi thường khi chấm dứt hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ với đối tác cũ không bảo đảm quyền lợi cho ABBank.

Những yếu tố nêu trên đã làm sụt giảm lợi nhuận toàn hệ thống trên 1.000 tỷ đồng trong khi chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn thu thay thế để bù đắp kế hoạch. Một số chỉ tiêu quy mô, hiệu quả còn khoảng cách tương đối so với các chỉ tiêu định hướng của kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ABBank đạt 1.686 tỷ đồng, chỉ đạt 55% kế hoạch 2022.

Được biết, FWD từng là đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của ABBank. Hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng vào năm 2016 với thời hạn 15 năm, nhưng lại kết thúc vào năm 2022. Đến tháng 12/2022, ABBank và Dai-ichi Life Việt Nam đã công bố hợp tác chiến lược.

Chia sẻ thêm với cổ đông, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2022 đặt mục tiêu ngân hàng có nguồn thu từ phí trả trước của đối tác bảo hiểm. Nhưng trong năm 2022, ABBank không lựa chọn đối tác bảo hiểm có nguồn thu trả trước mà phải trả cho đối tác FWD 223 tỷ đồng, nên ABBank không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Năm 2023, ngân hàng cũng đặt kế hoạch có nguồn thu từ bảo hiểm, nhưng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát hoạt động bảo hiểm thì ABBank đã có giải pháp để tìm hiểu nhu cầu khách hàng, không ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Năm 2023, ĐHĐCĐ ABBank đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh và kế hoạch hoạt động gồm: tổng tài sản đạt 136.816 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 2.826 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2022; dư nợ tín dụng tăng 10%, huy động từ khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tăng 2% so với năm 2022. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng sẽ được thay đổi theo sự cho phép của NHNN và nợ xấu trên tổng dư nợ được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Phải đầu tư cho nhân lực

Về chia cổ tức, với lợi nhuận sau thuế là 1.353 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và 2% cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ và với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối là gần 2.483 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 20/4/2022 là gần 940,95 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối sau khi chia cổ tức là gần 1.542 tỷ đồng.

Ngoài ra, HĐQT ABBank cũng được thông qua đề xuất triển khai thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, thay vì sàn UpCOM như hiện nay.

Theo ông Đào Mạnh Kháng, việc chuyển sàn chứng khoán sẽ được thực hiện trong năm 2023 nếu thị trường có cơ hội tốt. Việc chuyển sàn chứng khoán sẽ làm cơ sở để ABBank huy động vốn, có nhiều cơ hội tiếp cận cổ đông dễ dàng hơn và cũng là áp lực để ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt hơn.

Trả lời trước băn khoăn của cổ đông về giá cổ phiếu ABB hiện đã về dưới mệnh giá (kết thúc phiên giao dịch 28/4 đang ở mức 8.600 đồng/cổ phiếu), ông Đào Mạnh Kháng cho hay, ngành ngân hàng cũng đang gặp khó trong giai đoạn hiện nay khi là mạch máu của nền kinh tế, phải hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Vì thế, ABBank đã thận trọng khi phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm nay, nên lãnh đạo ABBank mong cổ đông kiên nhẫn, đồng thời cho biết không thể có “sóng” trong tương lai để kêu gọi đầu tư vào cổ phiếu ABB.

Chia sẻ về kế hoạch chia cổ tức trong dài hạn, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, ngân hàng đang hướng đến tương lai là một tổ chức mang lại giá trị cho khách hàng, nên đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào con người. Vị này cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặt bằng lương thấp như hiện nay sẽ khó thu hút được nhân tài, không có người giỏi thì không có lợi nhuận cao. Việc đầu tư này có thể lên đến 50 triệu USD, nên đạt được mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD, lợi nhuận 500 triệu USD thì lúc đấy mới sẵn sàng có nguồn lực để chi đầu tư cho nhân lực.

Do đó, ông Đào Mạnh Kháng đề nghị cổ đông sẵn sàng đồng hành với ban điều hành, HĐQT để giữ lại lợi nhuận đầu tư dài hạn vào con người, hệ thống, công nghệ… Theo ông Kháng, đồng tiền đang khó thì đầu tư vào con người mới không mất giá và cạnh tranh được, nhưng câu hỏi đặt ra là cổ đông có sẵn sàng 3-5 năm tới không chia cổ tức, cho ngân hàng giữ lại lợi nhuận?

ĐHĐCĐ ABBank cũng đã thông qua toàn bộ danh sách ứng viên HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2027, gồm ông Đào Mạnh Kháng (Chủ tịch HĐQT), ông Vũ Văn Tiền (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Danh Lương (thành viên độc lập), ông Trần Bá Vinh và bà Đỗ Thị Nhung (thành viên độc lập, được HĐQT đề cử theo đề xuất của Ủy ban Nhân sự), ông John Chong Eng Chuan và ông Foong Seong Yew (thành viên HĐQT, được cổ đông Maybank đề cử).

Chia sẻ thêm về sự hỗ trợ của đối tác ngoại Maybank, ông Đào Mạnh Kháng cho biết, đối tác này đã hỗ trợ ABBank quản trị rủi ro và chuyển đổi số. Maybank đã cử hai chuyên gia từng có kinh nghiệm trong chuyển đổi số tham gia vào ủy ban chiến lược của ngân hàng trong tương lai.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều