Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp phải đảm bảo thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế

(HQ Online) - Ngày 23/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật như: phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành, triển khai luật; thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ… đã được các thành viên Uỷ ban tập trung thảo luận.
Sửa đổi thuế suất, phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo ổn định nguồn thu cho ngân sách Bổ sung điều kiện được miễn thuế trong dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp phải đảm bảo thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế
Quang cảnh phiên họp.

Chưa bổ sung nội dung luật hóa quy định tại Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu

Tại phiên họp, đề cập về nội dung cơ bản của việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, với 4 chương 20 điều, dự án Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý. Đồng thời, dự án Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.

Đối với việc luật hóa nội dung quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 về áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, qua nghiên cứu, rà soát cho thấy, mặc dù Nghị quyết số 107/2023/QH15 có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2024 song việc kê khai, nộp thuế TNDN bổ sung có thời hạn từ 12 - 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính 2024.

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp phải đảm bảo thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn báo cáo tại phiên họp.

Theo đó, trên thực tế, tới năm 2026 doanh nghiệp mới đến thời hạn áp dụng quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 và chưa thể đánh giá được hiệu quả và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện. Do vậy, tại dự án Luật chưa bổ sung nội dung luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 nêu trên để đảm bảo nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật là “Luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp, bao gồm cả những nội dung đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật”.

Cùng với đó, Dự thảo dành một chương quy định về ưu đãi thuế TNDN và có những quy định mới về thuế suất đối với DN thuộc nhóm DN có quy mô nhỏ và tiêu chí áp dụng để thúc đẩy sự phát triển của các loại hình DN này.

Theo đó, tại chương 2 về thuế suất thuế TNDN, Dự thảo quy định mức thuế suất là 20%. Riêng với DN có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 15%; DN có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 17%.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi mức thuế suất tối thiểu của khung thuế suất đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí “từ 32% đến 50%” thành“từ 25% đến 50%” và do “Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng hợp đồng dầu khí” để thống nhất với Luật Dầu khí; đồng thời, bổ sung quy định chi tiết về mức thuế suất đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản quý hiếm trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản dưới Luật đang thực hiện ổn định, không vướng mắc để đảm bảo sự minh bạch, ổn định của chính sách.

Về mức thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng ưu đãi, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định việc áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.

Cần quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong triển khai thực hiện

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao hồ sơ và tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Đồng thời đề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cần nghiên cứu phương pháp sửa đổi, thẩm tra một số thuế, trong đó có dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để có cách tiếp cận chung về thuế, đảm bảo việc sửa đổi thuế đáp ứng được theo tình hình phát triển KT-XH, đặc biệt là các vấn đề, chính sách được miễn trừ thuế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong quá trình chỉ đạo điều hành, thực hiện luật, cần được quy định rõ những nhiệm vụ nào Quốc hội giao chi tiết cho Chính phủ thực hiện, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải triển khai.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Luật hiện hành đang vướng mắc ở những điều gì thì nên sửa ngay cái đó. Những điều nào “đã chín, đã rõ” thì sửa, cái gì chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nếu sửa toàn diện Luật Thuế TNDN thì phải có sự đánh giá tác động và khi sửa đổi thì những điều mới phải tốt hơn những cái cũ.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN phải đảm bảo thu ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu thuế và phải đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật.

Đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan đề xuất cách thức, phương pháp tiếp cận mới trong việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế, phí và các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nói chung; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Làm rõ vấn đề rà soát tổng thể các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho hay, hiện Chính phủ đã chuẩn bị để trình Quốc hội 3 luật về thuế tại Kỳ họp thứ 8, gồm Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế GTGT. Các luật này đã được rà soát tổng thể, đảm bảo yêu cầu của Bộ Chính trị, của Nghị quyết 23 của Quốc hội về mở rộng cơ sở thuế và hạn chế ưu đãi.

Trong đó, các lĩnh vực ưu đãi đã được thu hẹp chỉ còn 30 nhóm, gồm 23 nhóm áp dụng ưu đãi cao và 7 nhóm áp dụng ưu đãi thấp (Luật Đầu tư hiện hành, hiện đang quy định 100 nhóm ngành nghề, gồm 32 nhóm ngành nghề ưu đãi đặc biệt, 67 nhóm ngành ưu đãi). Luật cũng đã rà soát tập trung vào những nhóm ngành nghề khuyến khích ưu đãi và được báo cáo thuyết minh chi tiết, cụ thể.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều