Vốn vẫn đổ về nhưng startup Việt Nam phải xoay trục để thích ứng với Covid-19

(HQ Online) - Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mong muốn sẽ có sự hỗ trợ thiết thực, kết nối chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để có đủ “sức khỏe” vượt qua đại dịch.
Quỹ đầu tư giúp startup vượt qua khó khăn do Covid-19
Tìm lối đi cho startup thời Covid-19
Giấc mơ 10 "kỳ lân" startup
bà Ana Maria Torres - Đại diện Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu (GEN) phát biểu trực tuyến.
Bà Ana Maria Torres, đại diện Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu (GEN) phát biểu trực tuyến.

Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc tế: Doanh nghiệp trẻ và những nỗ lực vượt khó do Covid-19 đã được tổ chức vào chiều 18/11, tại Hà Nội.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định, đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp trẻ phải “gồng mình” gánh chịu nhiều khó khăn.

Chia sẻ về tác động tới cộng đồng khởi nghiệp quốc tế, ông Beniam Gebrezghi, Chuyên gia chương trình UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, theo một khảo sát ở khu vực, 92% người được khảo sát cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực và 85% đã phải thay đổi lại mô hình kinh doanh, 7% bị giảm doanh số so với năm trước hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp lại đã có cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cụ thể, 86% doanh nghiệp được khảo sát đã tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, chuyển đổi mô hình vận hành hoạt động của mình, 92% doanh nghiệp đã triển khai giải pháp chuyển đổi số để ứng phó với Covid-19.

Chính vì thế, vị chuyên gia đến từ UNDP này khuyến nghị, các startup cần có sự kết nối thành hệ sinh thái, các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục thích ứng và tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số hay thương mại điện tử.

Chia sẻ về tình hình của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, theo ông Hoàng Công Đoàn, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Thao, Covid-19 đã đem lại nhiều thách thức cho các doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp.

Chính vì thế, ông Đoàn cho hay, cộng đồng doanh nhân trẻ khởi nghiệp Việt Nam rất mong muốn được hòa chung với cộng đồng doanh nhân trẻ của toàn thế giới để có thêm nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển.

Đồng quan điểm, bà Ana Maria Torres, đại diện Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu (GEN) lại bày tỏ lo ngại về sự thiếu chắc chắn và “mong manh” của doanh nghiệp startup trong bối cảnh hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp này cần sự hỗ trợ nhiều hơn về vốn.

“Covid-19 làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng, nên các doanh nghiệp phải làm sao để thích nghi. Chìa khóa cốt lõi ở đây là các doanh nghiệp khởi nghiệp phải xoay trục thật nhanh, trang bị các kỹ năng kinh doanh kịp thời và tạo ra sự thay đổi về cách suy nghĩ”, bà Ana Maria Torres nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù khó khăn thì điều đáng mừng là cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vẫn đã và đang nhận được nhiều hỗ trợ. Khảo sát của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới, theo sau là Indonesia. Các lĩnh vực mới nổi mà nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào Việt Nam bao gồm giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính. Vì thế, Do Ventures dự báo tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt Nam năm 2021 sẽ đạt hơn 1 tỷ USD.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn viện trợ và đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 20 dự án thử nghiệm ADB Ventures Lab và dự kiến khoảng 10 doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ ADB Ventures SEED. Thông qua khoản tài trợ, các doanh nghiệp sẽ phát triển các giải pháp công nghệ mới.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều