Tìm lối đi cho startup thời Covid-19
Sự kiện nhằm giúp các startup tìm kiếm cơ hội trong đại dịch |
Khởi nghiệp như thế nào trong khủng hoảng Covid-19?
Câu hỏi này đã được trả lời trong phần Webinar 1 với chủ đề: “Khởi nghiệp thời Khủng hoảng Covid-19”. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 với những tác động chưa thể lường trước. Giới khởi nghiệp Việt Nam cũng chứng kiến những biến động trái chiều với những startup thất bại bên cạnh những startup thành công.
Trong năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, rất nhiều trong số đó là start-up. Thất bại có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan nhưng những startup thành công chắc chắn phải có một mô hình phủ hợp với hành vi của khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh.
Trước sự bất ổn định mà Covid-19 tạo ra, công nghệ số sẽ giúp và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các startup tồn tại, hướng tới ổn định và phát triển. Trong buổi tọa đàm, khó khăn của doanh nghiệp sẽ được nêu ra, cùng với đó là những giải pháp đột phá để “khởi nghiệp bền vững” trong đại dịch.
Phiên tọa đàm trực tuyến chủ đề Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19 sẽ có sự tham gia đóng góp của ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Viettel Network, đại diện Viettel; ông Nguyễn Hoàng Tùng, founder VVN AI (tên đầy đủ Vì Việt Nam AI), một startup thành công, từng đạt giải nhất Viet Solutions 2019; ông Trần Việt Hùng, co-founder và CEO của Got It và ông Trần Quang Hưng - Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital Ventures. Điều phối chương trình là ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch, Chủ tịch kiêm CEO của Le Group of Company.
Trong phần tọa đàm đầu tiên, các diễn giả đã đi tìm câu trả lời cho việc vì sao có những startup phát triển được trong đại dịch còn số khác thì không; công nghệ nào sẽ là xu thế và các startup phải làm gì để có thể phát triển và vươn tầm khu vực và thế giới. Ngoài ra, những “địa chỉ” mà các startup có thể tìm tới để nhận được những hỗ trợ cũng sẽ được nêu ra trong nội dung của tọa đàm.
Startup làm gì để đảm bảo phát triển bền vững?
Đại dịch Covid-19 khiến số lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh. Cùng với đó, cũng ít doanh nghiệp mới được thành lập hơn. Đây không chỉ là thực trạng ở Việt Nam mà là tình cảnh chung trên cả thế giới. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hệ sinh thái khởi nghiệp hạ nhiệt. Ngược lại, thị trường khởi nghiệp Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, giữa những thách thức mà dịch bệnh mang lại, các startup buộc phải đứng giữa lựa chọn nhanh chóng nắm bắt cơ hội để bùng nổ hay đi theo con đường đảm bảo phát triển bền vững. Tùy thuộc vào thực lực và nhận định của mỗi founder, các startup có thể lựa chọn con đường phù hợp.
Vài năm trở lại đây, thị trường khởi nghiệp Việt Nam được mô tả với cụm từ sôi nổi. Bất chấp việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn lớn tăng mạnh. Điều đó cho thấy những tiềm năng to lớn của lĩnh vực này. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra câu hỏi rằng các startup sẽ tận dụng cơ hội, tung hết sức để phát triển bền vững hay sẽ chọn lựa con đường phát triển bền vững.
Câu hỏi này cũng sẽ được trả lời tại buổi tọa đàm thứ 2 với nội dung: Hướng đi cho Startup: Tăng trưởng nóng hay bền vững. Các diễn giả, với kinh nghiệm của bản thân cũng như sự gắn bó nhiều năm với thị trường khởi nghiệp sẽ phân tích những mô hình, các điểm được và mất của từng lựa chọn nhằm giúp các founder đưa ra quyết định hợp lý nhất cho đứa con tinh thần của họ.
Tham dự buổi tọa đàm thứ 2 có sự tham dự của ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom – trưởng ban tổ chức Viet Solutions 2021; ông Bùi Thành Đô, Founding Partner và CEO của ThinkZone Ventures; ông Nguyễn Minh Đức, founder của CyRadar, giải 3 Viet Solutions 2020. Điều phối chương trình là ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch, Chủ tịch kiêm CEO của Le Group of Company.
Do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Tập đoàn Viettel tổ chức, Viet Solutions hướng tới mục tiêu tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia. Cùng với đó, chương trình cũng đóng vai trò bàn đạp, giúp các startup dự thi hoàn thiện giải pháp, tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, cả về tài chính lẫn công nghệ, để sớm đi vào thực tế. Năm nay, Bộ Thông tin và truyền thông cùng các Tổng công ty của Viet Solutions sẽ chủ động đưa ra bài toán để các startup tìm lời giải. Những bày toán này xuất phát từ nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, giúp những giải pháp tốt sớm có cơ hội được đưa vào đời sống. |
Ý kiến bạn đọc