Rõ ràng và khả thi trong quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư

(HQ Online) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, “nâng cấp” các biện pháp hỗ trợ đầu tư nhưng cần lựa chọn phương án phù hợp để đạt “mục tiêu kép” vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa lan tỏa cho cả nền kinh tế.
Khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Tìm giải pháp “đột phá” trong thu hút FDI khi Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu Đáp ứng tiêu chuẩn để hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ

Đây là góp ý của VCCI đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý.

Theo dự thảo, Quỹ hỗ trợ đầu tư là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Quỹ là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Tài chính, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng.

Mục tiêu của Quỹ là ổn định môi trường đầu tư; khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, ngân sách hoạt động của Quỹ bao gồm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách nhà nước khác. Ngoài ra còn bao gồm các nguồn ngoài ngân sách nhà nước như lãi tiền gửi, các khoản đóng góp tự nguyện…

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định này vào đầu tháng 3/2024, đại diện nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư là cần thiết và kịp thời. Nếu nghị định được ban hành sẽ góp phần ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao tinh thần của dự thảo Nghị định là không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

Rõ ràng và khả thi trong quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư
Thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư là cần thiết và kịp thời. Ảnh: Internet

Cũng góp ý về dự thảo Nghị định này, trong văn bản trả lời mới đây, VCCI cho rằng, việc Quốc hội quyết định thông qua nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là thách thức lớn trong thu hút đầu tư, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam “nâng cấp” các biện pháp hỗ trợ đầu tư thay vì tập trung chủ yếu vào ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trước đây.

Theo VCCI, các biện pháp hỗ trợ đầu tư có ưu điểm về tính linh hoạt, Nhà nước có thể tùy chọn đối tượng, hình thức, nội dung hỗ trợ để định hướng các doanh nghiệp thực hiện. Do đó, khi thiết kế các biện pháp hỗ trợ đầu tư cần lựa chọn các phương án chính sách sao cho đạt được "mục tiêu kép" vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa có tác động tích cực lan toả và dài hạn cho kinh tế xã hội Việt Nam.

Vì thế, VCCI đã chỉ ra một số quy định tại dự thảo Nghị định chưa đáp ứng được những mục tiêu như trên.

Chẳng hạn, liên quan đến việc hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), dự thảo đang quy định hỗ trợ tối đa lên đến 50% chi phí nhưng VCCI cho rằng cần bổ sung quy định hỗ trợ ở mức cao hơn (ví dụ 75%) trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D như trường đại học, viện nghiên cứu.

Về hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định, VCCI đề nghị dự thảo cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Theo đó, nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị), nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác.

Theo VCCI, cơ chế này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan toả đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Đồng thời, VCCI đề nghị bổ sung thêm tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện R&D nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam.

Về hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, theo VCCI, đây là hình thức hỗ trợ không chỉ có lợi cho dự án đầu tư mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh dự án, nên cần cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ này như bổ sung nhà ở dành cho công nhân, một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung, chi phí vận hành…

Ngoài ra, vấn đề sản xuất xanh đang trở thành xu hướng trên toàn cầu, nên VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số hình thức hỗ trợ về chi phí lắp đặt và vận hành điện mặt trời mái nhà, các trụ điện gió; các công trình tái chế, nước thải, khí thải; chuyển đổi phương tiện giao thông sang loại thân thiện với môi trường…

Cùng với những vấn đề trên, cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp còn kiến nghị làm rõ các quy định liên quan đến điều kiện để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ cũng như quy trình hỗ trợ. VCCI cho rằng, ngân sách hoạt động của Quỹ sẽ được phân bổ hằng năm, việc quyết định hỗ trợ cũng được quyết định từng năm mà không theo suốt dự án. Việc này sẽ tạo ra sự “không chắc chắn” cho doanh nghiệp đầu tư, từ đó có thể giảm hiệu quả thu hút cũng như giữ chân nhà đầu tư.

Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư. VCCI cũng nhìn nhận, việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước nên Nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay.

“Chúng tôi tin rằng, mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được”, VCCI nêu rõ.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều