Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá

(HQ Online) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… nên những giải pháp về truy xuất nguồn gốc được khuyến nghị thực hiện nhằm bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc bằng QRcode chống hàng giả, hàng nhái Ra quân truy quét hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ “Nở rộ” hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc
Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá
Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế - bảo vệ thương hiệu - bảo vệ người tiêu dùng năm 2024.

Tại Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế - bảo vệ thương hiệu - bảo vệ người tiêu dùng năm 2024 được Viện Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào ngày 26/4, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp cho biết, thị trường vẫn còn các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh với tình trạng hàng giả, hàng nhái, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), quý 1/2024 đã thực hiện kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả, 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ, 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng. Riêng năm 2023, chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Ông Phạm Minh Tuân, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, công tác chống hàng giả, hàng nhái không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội.

Các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu… cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ông Ngô Tấn, Giám đốc Công ty xây dựng Việt Nhật cho biết, sản phẩm là cả sự nghiệp mà các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhưng khi bị làm giả, làm nhái với giá rẻ hơn, chất lượng kém hơn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và kinh tế của doanh nghiệp, có thể khiến doanh nghiệp đi đến phá sản.

Vì thế, để chủ động bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp cũng như bảo vệ người tiêu dùng, các chuyên gia đã khuyến nghị doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp về truy xuất nguồn gốc.

Ông Lương Minh Huân nhận định, truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ 3 mục đích chính là phục vụ quản lý chuỗi cung ứng để minh bạch thông tin của một sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất chế biến và phân phối; phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng; phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Đặc biệt, vào cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, sẽ có hiệu lực từ tháng 6 năm nay. Trong đó, Thông tư đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin cơ bản về tên, hình ảnh sản phẩm, tên đơn vị sản xuất kinh doanh, địa chỉ… Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm...

Theo ông Tiêu Năng Minh, Phó Ban Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, với người tiêu dùng thì truy xuất nguồn gốc sẽ giúp hiểu được quy trình sản xuất ra sản phẩm; với cơ quan quản lý thì sẽ hiểu rõ lý lịch sản phẩm và dễ dàng truy trách nhiệm khi sản phẩm gây ra vấn đề không tốt về sức khoẻ người tiêu dùng. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp các cơ sở chế biến cạnh tranh với nhau về chất lượng, buộc phải đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Đồng quan điểm, ông Dương Đức Huy, Chủ cơ sở sản xuất rượu hoa quả tươi Đỗ Kiều Black cho rằng, thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ các đối tác quốc tế. Chẳng hạn như đối tác Hàn Quốc luôn đưa yêu cầu cao về tính pháp lý cũng như tuân thủ các quy định về kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, nên khi truy xuất được nguồn gốc hàng hoá thì cũng thuận lợi hơn khi làm việc, giao thương.

Vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường đã có các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ về truy xuất nguồn gốc. Chẳng hạn, công nghệ truy xuất nguồn gốc TrueData của Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) được vận hành theo cơ chế “đường đi của sản phẩm song song với đường đi của dữ liệu”, nên mang đến khả năng truy vết giúp doanh nghiệp biết sản phẩm có bị làm giả hay không, người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm chính hãng.

Theo Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, những giải pháp mới nhờ ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ đầu vào đến khâu lưu thông, phân phối, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã về truy xuất nguồn gốc hướng đến minh bạch trong sản xuất kinh doanh.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đọc nhiều