Miễn thuế nhập khẩu nếu hàng được phép tiêu hủy thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định
Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng thắc mắc liên quan đến thủ tục hải quan khi tiêu hủy nguyên vật liệu, sản phẩm XK, phế liệu phế phẩm, máy móc thiết bị tạo tài sản cố định.
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, khoản 1 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định về miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK; điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 42 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT BTC của Bộ Tài chính quy định về tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam.
Cụ thể, đối với việc gửi thông báo cho cơ quan Hải quan trước khi tiêu hủy hàng hóa nhập sản xuất XK mã loại hình E31: “Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi chi cục hải quan nơi NK nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Công chức Hải quan TPHCM kiểm tra nguyên liệu NK qua cảng Cát Lái. Ảnh: T.H |
Theo đó, hàng hóa NK để sản xuất XK phải tiêu hủy gồm: Nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, thành phẩm hư hỏng phải tiêu hủy kể từ ngày 25/4/2021 (ngày có hiệu lực của Nghị định 18/2021/NĐ-CP) được miễn thuế NK. DN phải có văn bản thông báo với cơ quan Hải quan trước khi tiêu hủy, nêu rõ hình thức tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy. Việc tiêu hủy phải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường.
Đối với việc tiêu hủy hàng hóa NK tạo tài sản cố định, khoản 11 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 quy định về miễn thuế đối với hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bao gồm: Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
Trong đó, việc miễn thuế NK đối với hàng hóa NK quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
Tại Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ, thủ tục miễn thuế khi làm thủ tục hải quan: “Hàng hóa NK thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16 Luật Thuế XK, thế NK (trừ trường hợp quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 16) buộc phải tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định của pháp luật được miễn thuế NK. Việc tiêu hủy phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật có liên quan và có sự giám sát trực tiếp của công chức Hải quan. Trước khi tiêu hủy, người nộp thuế phải có văn bản thông báo cho cơ quan Hải quan nêu rõ lý do tiêu hủy, tên gọi hàng hóa tiêu hủy, thời gian và địa điểm tiêu hủy; văn bản cho phép tiêu hủy của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường”.
Đối chiếu với các quy định hiện hành, việc tiêu hủy hàng hóa NK tạo tài sản cố định đã được miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan và có sự giám sát trực tiếp của công chức Hải quan.
Trước khi tiêu hủy, người nộp thuế phải thông báo cho cơ quan Hải quan về hàng hóa tiêu hủy, lý do tiêu hủy, thời gian và địa điểm tiêu hủy, văn bản cho phép tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trường hợp hàng hóa được phép tiêu hủy và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật thì được miễn thuế NK.
Ý kiến bạn đọc