Đối tác EU không còn "nhân nhượng", Việt Nam phải thích ứng từ chính sách ESG

(HQ Online) - Các chuyên gia về luật và kinh tế đã khuyến nghị, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để đáp ứng các yêu cầu pháp lý về phát triển bền vững khi làm việc với các đối tác từ châu Âu (EU).
Hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo dễ tiếp cận trái phiếu xanh ESG không còn là “sân chơi” dành riêng cho những doanh nghiệp lớn Hoàn thiện pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công

Việc đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững khi làm việc với các đối tác EU theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là EVFTA là vấn đề không mới.

Nhưng trong trao đổi tại hội thảo về "Những vấn đề pháp lý của Liên minh châu Âu về thị trường ESG mới nổi và gợi mở chính sách cho Việt Nam” vào ngày 31/10/2024, PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dù thường xuyên bàn thảo nhưng vẫn có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam không đủ điều kiện xuất khẩu, hoặc xuất khẩu hàng sang nhưng lại bị trả về tại thị trường EU.

Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp không tìm hiểu, không tuân thủ các quy định về pháp luật, kỹ thuật về chất lượng…

Hơn nữa, các đối tác châu Âu không còn tư tưởng coi Việt Nam là quốc gia “chưa phát triển” để có những ưu đãi, nhân nhượng mà họ đã thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, tiến lên mức thu nhập trung bình nên yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, EU đã luật hoá các quy định liên quan đến phát triển bền vững, ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Nên việc tuân thủ không chỉ từ việc đáp ứng của các doanh nghiệp, mà bản thân chính sách pháp luật nước ta cũng phải có sự thích ứng.

Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ và xây dựng khung pháp luật phù hợp.

Đối tác EU không còn
EU đã luật hoá các quy định liên quan đến phát triển bền vững, ESG. Ảnh: ST

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi, cập nhật các quy định pháp luật, nhất là liên quan đến ESG để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa hàng hoá xuất khẩu.

Chẳng hạn, theo PGS.TS. Đỗ Phú Hải, Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, EU đã đưa ra Luật Kế toán bền vững của doanh nghiệp, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo chi tiết về ESG.

PGS.TS. Đỗ Phú Hải nhấn mạnh, khung pháp lý ESG của EU là bài học quý giá giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, thúc đẩy tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nên Việt Nam có thể phát triển hệ thống tương tự để tăng tính minh bạch. Trong đó cần tăng cường kiểm toán và giám sát các báo cáo ESG, đưa ESG vào chiến lược xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, yêu cầu doanh nghiệp lớn công khai về ESG…

Hay với Luật Phân loại bền vững (EU Taxonomy) của EU, Luật này cũng định nghĩa các hoạt động bền vững, giúp thúc đẩy đầu tư xanh, thì Việt Nam nên xây dựng hệ thống phân loại ESG tương tự.

Hoặc Luật về nghĩa vụ thẩm định trách nhiệm xã hội và môi trường (CSDDD) yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng.

Vì thế, điều Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng là thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thẩm định ESG…

EU cũng khuyến khích doanh nghiệp tích hợp ESG để nâng cao cạnh tranh. Việt Nam nên có ưu đãi tương tự bằng cách xây dựng các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư xanh, tài chính xanh cũng như tăng cường nhận thức và đào tạo về ESG…

Ngoài ra, các chuyên gia của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, báo cáo ESG trong lao động đang trở thành xu hướng lập pháp trên thế giới, là trọng tâm chính sách pháp luật của EU và các quốc gia thành viên.

Vì thế, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm và định hình khung pháp lý rõ ràng hơn.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều