Giải pháp nào để hàng hóa không còn ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn?

(HQ Online) - Lưu lượng hàng hóa tăng cao nhưng năng lực bến bãi hạn chế, đã khiến cho tình trạng ách tắc, ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thường xuyên diễn ra.
Lạng Sơn: Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động đưa hàng về cửa khẩu
Lạng Sơn: Triển khai các giải pháp hỗ trợ thanh long tươi xuất khẩu
Lạng Sơn: Xử lý ùn ứ phương tiện chở hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị

Để giải quyết bài toán này, trong những ngày gần đây, UBND tỉnh Lạng Sơn liên tục chỉ đạo các ngành, cơ quan, lực lượng chức năng liên quan triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện, giảm mức thấp nhất lượng hàng hóa ùn ứ. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế, còn lâu dài vẫn cần những định hướng có tính chiến lược mới mong không diễn ra tình trạng “đến hẹn lại ùn”!

Lưu lượng hàng hóa tăng mạnh

Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng, UBND các huyện biên giới triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa duy trì, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa XNK qua địa bàn tỉnh. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt 2.390 triệu USD, tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tính riêng, kim ngạch XK hàng nông sản đạt 670 triệu USD.

Mặc dù kết quả mà hoạt động XNK mang lại khá cao, nhưng tình hình lưu thông XK nông sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cứ đến mùa lại gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác kiểm tra thông quan; năng lực thông quan qua các cửa khẩu; loại hình giao dịch; chủng loại hàng hóa…, ông Lương Trọng Quỳnh nhấn mạnh.

Hàng hóa ra vào bến bãi tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: H.N
Hàng hóa ra vào bến bãi tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: H.N

Hiện tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh vẫn là hai cửa khẩu có lưu lượng XNK hàng lớn nhất trong tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, tại cửa khẩu Tân Thanh, kể từ ngày 19/7 đến ngày 10/8, lượng hàng hóa XK, đặc biệt là mặt hàng quả thanh long dồn lên khu vực cửa khẩu Tân Thanh ngày càng lớn. Nguyên nhân của việc tăng đột biến hàng hoa quả XK là do tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã thông báo dừng NK mặt hàng thanh long tại tỉnh Lào Cai trong 30 ngày, đồng thời hiện nay các loại nông sản của Việt Nam đang vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, hiện nay, 100% xe chở nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải kiểm tra nên việc thông quan mất nhiều thời gian.

Số liệu từ Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho thấy, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh trung bình chỉ đạt 150 - 180 xe các loại nông sản mỗi ngày. Do đó, với lượng hàng hóa tăng trong những ngày đầu tháng 8 này đã dẫn đến lượng xe hàng còn tồn là tương đối lớn. Cụ thể, tính đến ngày 14/8, lượng phương tiện chở hàng nông sản, trái cây tươi chờ thông quan còn tồn trong bến xe Bảo Nguyên trên 700 xe và 30 phương tiện ở ngoài bến xe (trong đó có khoảng gần 600 xe chở thanh long).

Còn tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh,... dẫn đến việc giao thương XNK trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Tính từ đầu tháng 8/2021 đến nay, lượng xe tồn đọng bình quân mỗi ngày khoảng 300 - 400 phương tiện. Trong khi đó, hàng hóa XNK chủ yếu ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đều là ô tô, linh kiện xe ô tô xe máy, hàng gia dụng, máy móc, sản phẩm điện tử và linh kiện, hoa quả tươi...

Cần giải pháp dài hơi

Từ trước tới nay cứ đến mùa thu hoạch nông sản, trái cây tươi hay phía Trung Quốc đưa ra các quy định siết chặt hơn là tình trạng ứ đọng, ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, đặc biệt các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn lại diễn ra như “cơm đến bữa phải ăn”.

Mặc dù đến “hẹn”, các lực lượng chức năng liên quan tại cửa khẩu đã tích cực xây dựng các phương án để quản lý, phân luồng, điều tiết phương tiện hàng hóa XNK khi lưu lượng hàng tăng cao, không để ùn ứ trong khu vực cửa khẩu. Trong đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện XNK hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng hoa quả tươi, các lực lượng, cơ quan chức năng đã xây dựng phương án bố trí, sắp xếp phương tiện tập trung tại một số địa điểm khác phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và phòng chống dịch. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tức thời giải quyết ngay tại chỗ, còn để giải quyết vấn đề ùn ứ hàng hóa đã diễn ra nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn cần những giải pháp, định hướng dài hơi.

Công ty CP hữu nghị Xuân Cương là đơn vị duy nhất khai thác dịch vụ logicstic trong thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: H.Nụ
Công ty CP Hữu nghị Xuân Cương là đơn vị duy nhất khai thác dịch vụ logistics trong thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: H.Nụ

Theo ông Lương Trọng Quỳnh, trong bối cảnh dịch Covid-19, có rất nhiều quy định mới từ các cơ quan của Trung Quốc, theo đó, các tỉnh, thành phố, DN, Hiệp hội ngành hàng, nông dân cần nắm bắt nhanh các quy định để khi đưa hàng lên biên giới hàng hóa đảm bảo về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch động vật…

Trong đó, Bộ NN&PTNT phải là đầu mối, điều tiết với các địa phương có vùng trồng nông sản tuyên truyền, hỗ trợ nông dân và DN về cách phân loại, đóng gói, bảo quản bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của phía đối tác ngay tại nơi sản xuất để khi quá trình thực hiện nhanh chóng đúng hướng dẫn và triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc mã số vùng trồng.

Đồng thời, để hàng hóa thông quan một cách nhanh chóng, các DN cần khai báo hải quan điện tử đối với tất cả các lô hàng cần XK, khi lên cửa khẩu là có thể thực hiện thông quan ngay. Qua đó vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho DN, vừa tránh ùn tắc tại cửa khẩu, ông Lương Trọng Quỳnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc thì vấn đề hạ tầng, bến bãi, đặc biệt hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi hơn nữa giao thương hàng hóa… vẫn cần được các cấp, cấp ngành đầu tư quan tâm để làm sao gỡ được nút thắt. Bởi hiện nay, chúng ta chưa tận dụng tối đa tiềm năng của đường sắt, do đó, nếu đưa tuyến đường sắt vào vận chuyển nông sản thì sẽ thuận lợi, giảm chi phí, thời gian rất nhiều cho cả cơ quan quản lý cũng như cho DN kinh doanh XNK.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, sau khi đàm phán và ký Nghị định thư cho 9 loại nông sản thì quá trình đàm phán tiếp theo cho 8 loại nông sản nữa của Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ về mã số vùng trồng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất đầy đủ và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc này đang gặp khó khăn. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để gia tăng số lượng và doanh số xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều