Doanh nghiệp đối mặt khó khăn sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu

(HQ Online) - Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả quý 3/2022.
“Khát” đơn hàng, xuất khẩu giảm tốc
Triển vọng đơn hàng xuất khẩu dệt may 2023 không khả quan
Đơn hàng xuất khẩu gỗ giảm 30-50%, doanh nghiệp nhỏ đóng cửa
Nhiều DN ngành thép đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với các biện pháp PVTM, thu được kết quả ban đầu tích cực. 	Ảnh: Đức Quang
Ảnh minh họa. Ảnh: Đức Quang

Áp lực của nhiều ngành hàng chủ lực

Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đối với nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã nêu lên những thách thức khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo kết quả tổng hợp của Ban IV, doanh nghiệp ở hầu hết ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các đơn hàng cho năm 2023 của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...

Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, xuất nhập khẩu gặp khó còn do chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Trong đó, nguyên nhân là giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và TPHCM vẫn chưa được tháo gỡ khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh; tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước.

Đặc biệt, thời gian qua, lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cao; rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”.

Không chỉ thiếu đơn hàng, doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào tình thế khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực.

Cập nhật thường xuyên biến động thị trường

Để khắc phục phần nào các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất, nhập khẩu lớn kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.

Đặc biệt, cần khẩn trương tiến hành các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình này, cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, đặc biệt xu hướng thiết lập các hàng rào kĩ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh xanh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới.

Ngoài ra, đối với việc duy trì niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không chỉ lấy ý kiến một vài đơn vị mang tính đại diện; đồng thời tập trung rà soát, cải thiện, đẩy mạnh trực tuyến hóa một số nhóm quy trình, thủ tục có tần suất thực hiện lớn và có ảnh hưởng tới hầu hết doanh nghiệp...

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều