Đâu là chìa khoá giúp doanh nghiệp “vượt” khủng hoảng Covid-19?

(HQ Online) - Đối mặt với khủng hoảng, hầu hết các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh phi truyền thống. Đồng nghĩa với điều đó thì việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một yếu tố sống còn để đảm bảo doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.
“Chìa khoá” nào giúp doanh nghiệp tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu?
Giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại với thị trường xuất khẩu sau dịch Covid
Chế biến sâu là chìa khóa đưa trái cây Việt Nam ra thế giới

Năng lực quản trị giúp DN vượt khủng hoảng

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn nên thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch Covid-19. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, DNNVV thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng DN có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác như: chiến tranh, dịch bệnh, môi trường, tài chính, nhân sự…

Chính vì vậy, các DN cần phải chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Khủng hoảng Covid-19 là một trường hợp điển hình được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu.

Theo báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của DN Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của DN trước khủng hoảng" do Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện, năng lực quản trị giúp DN vượt qua khủng hoảng Covid-19 thành công.

Cụ thể, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DNNVV Việt Nam) cho biết, kết quả nghiên cứu thực hiện khảo sát với hơn 630 DN cho thấy, 32,9% DN tham gia khảo sát cho biết, năng lực quản trị giúp DN vượt qua khủng hoảng Covid-19 thành công; 20,5% cho rằng thị trường khách hàng là nguyên nhân chính; 20% lựa chọn khả năng thích ứng với khủng hoảng dựa trên quy mô vốn của DN.

Ngoài ra, các DN còn cho rằng, khả năng vượt qua khủng hoảng Covid-19 phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, thời gian hoạt động, năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số… Với các trường hợp đã vượt qua đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phát triển, doanh thu, lợi nhuận, kỹ năng đều tăng và hoàn thiện hơn.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: T.D
Các DN cần có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, có thể tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: T.D

Gia tăng sức chống đỡ

Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, do mức độ và chiều hướng tác động của Covid-19 lên các ngành có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các DN. Tuy nhiên, các DN sẽ phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ, trong đó có việc xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây.

Bên cạnh đó, các DN sẽ phải kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng bằng việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi. Đồng thời, tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, về nguồn lực tài chính, các DN cần có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, có thể tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay để có cơ hội bứt phá và vươn lên phát triển. Các DN được quản lý quá chặt chẽ có thể phải nhường cơ hội kinh doanh mới nhất thời và ngắn hạn cho những DN có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược. Ngoài ra, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong DN sẽ góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Để giúp các DN có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc bất ngờ trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, các chủ sở hữu, người quản lý DN cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho DN của mình theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ DN nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng; hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp DN ứng phó với khủng hoảng...

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đọc nhiều