Chủ động phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

(HQ Online) - Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 27/10, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vẫn rất khó khăn
Chính phủ đã 'kề vai sát cánh' cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn “ngoài tầm với” của doanh nghiệp
Chủ động phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ảnh: H.Dịu
Đề xuất Chính phủ chủ động có phương án hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: H.Dịu

Khai thác thế mạnh, đa dạng thị trường xuất khẩu

Nói về sự phát triển của doanh nghiệp, tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhận định, 9 tháng năm 2022, bên cạnh sự gia tăng của doanh nghiệp, thành lập mới, trung bình mỗi tháng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn bình quân của năm 2020 và năm 2021.

Theo ông Nguyễn Đại Thắng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đó là các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.

Cũng về khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) bày tỏ, Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng. Lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội kiến nghị, các bộ, ngành cần tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường nhất định, mở rộng thị trường trong nước.

Nhận định năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối diện với nguy cơ vòng xoáy lạm phát và suy thoái, nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn do ảnh hưởng đồng thời từ chiến tranh và dịch bệnh, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra các kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, để vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của kinh tế thế giới là một bài toán vô cùng khó cần phải tìm ra lời giải. Vì thế, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Với doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 27/10. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 27/10. Ảnh: Quochoi.vn

Đề xuất chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân sang hỗ trợ về thuế, phí

Liên quan đến các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng nhấn mạnh đến việc phải xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tính toán thận trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế, phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023.

Riêng về gói hỗ trợ lãi suất 2% còn thực hiện chậm, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn, như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình), Chính phủ có thể huy động các tổ chức tài chính vi mô vào cuộc trong việc hỗ trợ lãi suất để linh hoạt hơn trong việc xét hồ sơ cho vay, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó hỗ trợ lãi suất các đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đại biểu Tâm cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có thể cho vay đối với các nhóm doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.

Nhưng bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều