Vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số không thành công?
Nắm bắt xu hướng và chuyển đổi số: Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp |
Nhiều DN nhỏ và vừa cho biết gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số. Ảnh: T.D |
Trao đổi với các DN tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, DN nhỏ và vừa có nhiều cơ hội và lợi thế trong thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh và hiệu quả hơn các DN lớn. Bởi DN nhỏ và vừa với sự linh hoạt vốn có, nếu triển khai thực hiện chuyển đổi số chưa đúng họ có thể nhanh chóng thay đổi cách làm.
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt giải pháp trọng tâm để chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa là đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lên môi trường số bằng nền tảng số Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều DN nhỏ và vừa chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số. Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số là cách DN hiểu khách hàng hơn, bổ sung hình thức kinh doanh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu cá nhân hoá trong mua sắm của khách hàng, từ đó phát triển doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt, DN nhỏ và vừa cần có nhận thức không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà khai phá ra những nhu cầu chưa được đáp ứng của thị trường quốc tế bằng các kênh qua chuyển đổi số.
Chia sẻ tại chương trình nhiều DN cũng thẳng thẳn thừa nhận những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số cũng như những lý do khiến việc chuyển đổi số không thành công.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú cho biết, năng lực cạnh tranh của DN nhỏ và vừa cũng như năng suất sản xuất hàng hoá không thể tăng được nếu doanh nghiệp không ứng dụng chuyển đổi số. Trên thực tế, việc chuyển đổi số được nhiều DN quan tâm và triển khai nhưng chỉ mới xoay quanh nền tảng phục vụ quản trị văn phòng chứ ít liên quan đến máy móc sản xuất. Do đó DN nhỏ và vừa khó tiếp cận xu hướng cạnh tranh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đang loay hoay với bài toàn nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.
Bà Lâm Thuý Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SX-TM Mebipha cho biết công ty bà từng gặp khó khăn trong lựa chọn phần mềm. Theo bà, mỗi DN nên có lộ trình chuyển đổi số, từ thuê đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực, dự trù kinh phí...
Bên cạnh những DN chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số và thiếu nguồn lực triển khai chuyển đổi số, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) cho rằng, không ít DN gặp khó khi tìm đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp. Các công ty cung cấp giải pháp rất nhiều nhưng thực tế là một giải pháp được cung cấp cho nhiều DN ở các lĩnh vực khác nhau hoặc một công ty cung cấp nhiều giải pháp khác nhau có sự chồng lấn, khó vận hành đồng bộ. Việc này khiến các DN loay hoay không biết chọn giải pháp nào để chuyển đổi nhanh gọn nhưng đáp ứng được những yêu cầu, thông số quản trị của DN.
Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, công ty đã ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hiện đang trong quá trình vận hành thử nghiệm. Trong quá trình thực hiện phát sinh vấn đề là DN không am hiểu về công nghệ nên không biết cách đặt đề bài cho đơn vị viết phần mềm. Đơn vị viết phần mềm phải mất đến 6 tháng để ngồi làm việc với từng phòng ban, công ty thành viên để nắm bắt quy trình. Thêm vào đó, các công ty viết phần mềm chỉ chuyên về một lĩnh vực nên gặp khó khăn khi viết phần mềm cho cả hệ sinh thái gồm nhiều ngành nghề khác nhau.
Đứng ở góc độ DN tư vấn chuyển đổi số, ông Phí Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn P.A.T, cho rằng DN nên có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra yêu cầu chuyển đổi số.
Ngoài ra, theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, DN khi thực hiện chuyển đổi số phải căn cứ vào túi tiền và nguồn thu của mình để vạch ra lộ trình, gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Chuyển đổi số từng phần nên bắt đầu từ hai chỗ trong doanh nghiệp đó là chỗ nào kiếm được tiền nhiều nhất thì chuyển đổi số ở đó; chỗ nào làm ra tiền bền bỉ nhất thì chuyển đổi số ở đó. Chuyển đổi số là thay đổi và thích nghi, do đó, không có quy trình nào là cố định mãi. Hơn nữa, doanh nghiệp phải chấp nhận tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm để từ đó chuẩn bị nguồn lực theo đuổi đến cùng.
Ý kiến bạn đọc