Văn bản hướng dẫn thực thi Luật rất quan trọng

(HQ Online) - Theo ông Đậu Anh Tuấn (ảnh), Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật DN 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 sắp có hiệu lực, nhưng phải chờ đợi ở chất lượng các văn bản hướng dẫn thực thi thì mới khẳng định hai luật này mang lại tác động lớn trên thực tế hay không.
Làm gì để Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 không nằm trên “giấy”?
Doanh nghiệp không quan tâm đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020
Những điểm mới và các lưu ý về Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2020
Văn bản hướng dẫn thực thi Luật rất quan trọng
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Xin ông cho biết, Luật DN qua 4 lần sửa đổi, đến nay có những điểm thay đổi nào tích cực hơn cho cộng đồng DN?

Luật DN 2020 cũng tiếp theo tinh thần của các luật DN lần trước khi đã có nhiều thay đổi tích cực. Như trong lĩnh vực về gia nhập thị trường, Luật DN lần này tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục gia nhập thị trường, đặc biệt là tạo lập nền tảng để quá trình gia nhập thị trường được thực hiện trên mạng liên thông, kết nối liên thông giữa nhiều nhóm khác nhau.

Điểm thay đổi tích cực thứ hai, cũng là quan trọng nhất của Luật DN lần này là giúp tăng cường chất lượng quản trị DN. Nếu các Luật DN trước đây chủ yếu tập trung vào việc gỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường thì Luật DN 2020 tập trung vào việc củng cố quản trị DN. Chẳng hạn, Luật DN lần này đã tăng quyền của cổ đông thiểu số, trước đây phải 10% cổ đông thiểu số mới có quyền yêu cầu các tài liệu, hồ sơ trong quản trị công ty. Nhưng giờ tỷ lệ này đã hạ xuống còn 5%, giúp tăng quyền cho những cổ đông ít vốn, từ đó tạo động lực để bảo vệ cổ đông ít vốn, giúp các cổ đông này có thêm niềm tin để bỏ tiền nhiều hơn góp vốn vào công ty.

Nhìn chung, Luật DN 2020 có thể không tạo ra những sự thay đổi lớn về mặt cải cách thủ tục hành chính như Luật DN 1999, 2005 hay 2014, nhưng Luật DN lần này đi theo hướng củng cố chiều sâu hơn, tiếp tục hoàn thiện khung khổ quản trị công ty, giúp quản trị công ty tại Việt Nam phù hợp với những chuẩn mực quốc tế.

Ông kỳ vọng như thế nào về những tác động từ Luật DN 2020 và Luật Đầu tư 2020?

Với mỗi một lần thay đổi Luật DN, Luật Đầu tư, cộng đồng DN, nhà đầu tư đều kỳ vọng có một sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về sự thuận lợi của môi trường kinh doanh, đầu tư. Tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào quá trình thực hiện 2 bộ luật này. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, Luật DN 2020 và Luật Đầu tư 2020 được Quốc hội thông qua và chuẩn bị có hiệu lực từ 1/1/2021, nhưng các văn bản hướng dẫn, Nghị định hướng dẫn Luật DN, Luật Đầu tư chưa được thông qua.

Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn rất quan trọng, thể hiện sự tiếp nối đúng tinh thần của Luật DN, Luật Đầu tư 2020 hay không. Luật Đầu tư 2020 đưa ra nhiều chính sách, thủ tục rất tốt với nhà đầu tư, nhưng quy trình thực tế, các hồ sơ trên thực tế, các bước giải quyết trên thực tế có đúng với tinh thần này không là một điều rất quan trọng. Chất lượng các văn bản hướng dẫn thực thi hai đạo luật này mới là điều khẳng định hai luật này mang lại tác động lớn trên thực tế hay không.

Đặc biệt, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi còn trong bối cảnh vẫn còn nhiều xung đột, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư kinh doanh. Nhưng Luật Đầu tư lần này đã góp phần tháo gỡ nhiều chồng chéo. Chúng tôi thống kê có ít nhất 10 chồng chéo tại báo cáo của VCCI gửi lên Quốc hội đã được giải quyết trong Luật Đầu tư lần này. Vì thế, tôi hy vọng việc thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư cùng với Luật Xây dựng sắp tới sẽ giảm thiểu sự chồng chéo, xung đột của các thủ tục, quy trình pháp lý tại các dự án trên thực tế.

Sang năm 2021, các DN cần lưu ý gì trong việc thực hiện theo 2 bộ Luật mới này, thưa ông?

Đối với DN, điều quan trọng nhất là họ phải nắm bắt tinh thần mới của 2 đạo luật này, để biết những thay đổi quan trọng và phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, với những nhà đầu tư đang có dự án đầu tư dở dang thì phải chú trọng đến sự chuyển giao giữa hai hệ thống luật. Bởi từ kinh nghiệm của tôi thì một dự án mà “vắt” qua 2 luật, nếu nhà đầu tư, các DN không để ý thì có thể sẽ gặp những rủi ro, những trục trặc về mặt pháp lý.

Xin cảm ơn ông!

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020. Nhiều ý kiến của DN, luật sư, nhà quản lý và chuyên gia đã đánh giá cao dự thảo Nghị định trong việc tháo gỡ khó khăn, có nhiều cải tiến để giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là xử lý vướng mắc cho nhà đầu tư tại các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp, các dự án đang đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DN 2020 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự thảo bao gồm 16 Điều và không chia thành các chương, mục, hướng dẫn về DN xã hội, DN nhà nước, công ty mẹ và công ty con, ban kiểm soát, kiểm soát viên, quản lý nhà nước đối với DN... Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng đã ban hành lấy ý kiến các thông tư hướng dẫn liên quan như về: đăng ký DN, công bố thông tin của DN nhà nước...

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều