Thứ hạng lợi nhuận ngân hàng quý 1/2022 có nhiều thay đổi
Người rời đi, người ở lại với "ghế nóng" ngân hàng | |
Ngân hàng tìm "cửa" sinh lời ngoài tín dụng | |
Ngân hàng “rộn ràng” chia cổ tức “giấy”: Ai thiệt, ai lợi? |
Kết quả lợi nhuận 27 ngân hàng trong quý 1/2022. Biểu đồ: H.Dịu |
Hiện tại, phần lớn ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022. Trong số 27 ngân hàng được khảo sát có đến 22 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng, 5 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, bao gồm: VietinBank, OCB, Kienlongbank, VietBank, NCB. Theo đó, tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng đạt gần 68.000 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với quý 1/2021, tương đương tăng 31%.
Trong top 10 ngân hàng đạt lợi nhuận cao thì đã có sự thay đổi thứ hạng. Cụ thể, VPBank đã "soán ngôi" của Vietcombank để trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống. Trong quý 1/2022, VPBank đã đạt 11.146 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 178%. Vietcombank ở vị trí thứ 2 với 9.950 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 15%.Techcombank vẫn giữ nguyên vị trí thứ 3 với 6.785 tỷ lãi trước thuế, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận mạnh mẽ của VPbank có sự đóng góp lớn từ mảng bảo hiểm. VPBank thông báo đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với AIA thêm 4 năm nữa, đồng nghĩa với việc Ngân hàng ghi nhận một khoản phí trả trước không nhỏ vào lợi nhuận quý này. Năm 2022, VPBank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng.
Trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao, chỉ có VietinBank là lợi nhuận “đi lùi” tới 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, quý 1/2021, lợi nhuận của VietinBank cao đột ngột vì giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Vì thế, với nền so sánh cao của năm trước, lợi nhuận quý 1/2022 của ngân hàng này giảm mạnh.
Trong quý 1 năm nay, SHB cũng có sự thăng hạng mạnh mẽ khi vươn lên vị trí thứ 8 toàn hệ thống về lợi nhuận. Trong khi đó, VIB bị rơi khỏi bảng top 10 lợi nhuận do Sacombank vươn lên thế chỗ. Sacombank cho biết, hoạt động chính của Sacombank sụt giảm 9% so với cùng kỳ nhưng nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh, như lãi từ dịch vụ tăng 83%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 44%, lãi từ hoạt động khác tăng gấp 9,4 lần so cùng kỳ…
Xét chung 27 ngân hàng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đứng đầu thuộc về Eximbank với mức tăng 278%, tiếp theo là VPBank tăng 178%, BacABank tăng 171%, SHB tăng 94%, SeABank tăng 87%, Sacombank tăng 70%, Saigonbank tăng 69%, LienVietPostBank tăng 61%...
Trong số 5 ngân hàng lợi nhuận đi xuống thì Kienlongbank ghi nhận mức giảm mạnh nhất tới 82% do quý 1 năm ngoái ngân hàng ghi nhận khoản thu đột biến từ xử lý được khối tài sản bảo đảm là lượng lớn cổ phiếu STB. Còn các ngân hàng khác thì chủ yếu do phải tăng manh trích lập dự phòng rủi ro.
Có thể thấy, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều bị tụt hạng về lợi nhuận trước sự vươn lên mạnh mẽ của các ngân hàng tư nhân. Tại ĐHĐCĐ gần đây, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng. Vì thế, vị này để nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên.
Thực tế, theo các chuyên gia, những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV khi được chấp thuận và tăng vốn thành công thì lợi nhuận sẽ còn nhiều thay đổi.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ vừa được tổ chức, lãnh đạo nhiều ngân hàng tư nhân cũng đã nói về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận nhờ các thương vụ bán vốn tại công ty con, góp vốn tại công ty chứng khoán, tăng thu từ dịch vụ, hợp tác bảo hiểm... Vì thế, bảng xếp hạng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục tạo nên nhiều bất ngờ.
Ý kiến bạn đọc