Sau phản ứng phí SMS Banking cao, ngân hàng và nhà mạng đồng thuận thu trọn gói?

(HQ Online) - Khi khách hàng lên tiếng bức xúc vì ngân hàng tăng giá cước tin nhắn SMS Banking, “quả bóng trách nhiệm” đã bị ngân hàng và nhà mạng đưa đẩy cho nhau.
Phí tin nhắn SMS ngân hàng cao đột ngột: Do đâu?
Mất hàng nghìn tỷ đồng phí tin nhắn, ngân hàng tìm cách giảm gánh nặng
Ngân hàng "than thở" phí tin nhắn cao, nhưng lỗ hổng bảo mật chưa được vá
Lần thứ 4, ngân hàng "bức xúc" kiến nghị vì phí tin nhắn cao, bảo mật chưa an toàn

Trong những ngày qua, khách hàng đang rất hoang mang về phí dịch vụ SMS Banking, thay vì 11.000 đồng/tháng thì lại nhận được tin nhắn thông báo khoản phí đắt gấp 5, thậm chí gấp 7 lần. Vì vậy, nhiều người đã bỏ dịch vụ SMS để chuyển sang nhận biến động số dư qua ứng dụng (app) của ngân hàng.

Trước phản ứng của dư luận, phía ngân hàng cho rằng, phí tin nhắn SMS Banking cao là do nhà mạng viễn thông đang thu phí SMS dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần bình thường.

undefined

Các ngân hàng cần ngồi lại với nhà mạng để đàm phán mức phí phù hợp.

Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99-350 đồng/tin nhắn. Vì thế, có ngân hàng cho biết, năm 2021 phải chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS, hơn 70% là chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Mặt khác, các nhà mạng cung cấp giới hạn độ dài của các tin nhắn cho nên chỉ với 1 thông báo biến động số dư của khách hàng thường phải chia thành 2 tin nhắn lại càng tạo thêm gánh nặng cho các ngân hàng.

Hơn nữa, không chỉ về phí cao, điều khiến các ngân hàng cũng “bức xúc” là tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng nhằm trộm tiền tài khoản của khách hàng, nên các ngân hàng phải gửi tin nhắn SMS cảnh báo đến tất cả các khách hàng mà các nhà mạng lại tính phí, khi đó ngân hàng lại phải chịu chi phí tăng thêm mà không thu lại được tiền từ khách hàng.

Phản hồi thông tin từ các ngân hàng, đại diện của 3 nhà mạng lớn Viettel, VNPT và Mobifone cho rằng, việc áp dụng mức phí 700-800 đồng/tin nhắn cao hơn mức phí đối với cá nhân là do phí dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname), nên các nhà mạng phải đầu tư trang thiết bị và công nghệ, với kinh phí lớn để tăng độ bảo mật, tốc độ... nên giá thành của tin nhắn phải cao hơn so với cá nhân sử dụng cùng loại dịch vụ.

Đại diện một nhà mạng còn cho hay, công ty đã điều chỉnh chính sách chiết khấu theo mức lưu lượng, áp dụng mức giảm giá cao hơn cho các đại lý và các ngân hàng. Sau khi giảm trừ chiết khấu, đơn giá áp dụng cho các ngân hàng là từ 580-680 đồng.

Về vấn đề bảo mật, phía các doanh nghiệp viễn thông cho rằng, đây không phải do lỗi của các nhà mạng mà do thiết bị (điện thoại) của cá nhân khi kết nối với các thiết bị thu (BTS) của Hacker sẽ bị các Hacker lấy cắp thông tin.

Thực tế, các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt, nỗ lực để cung cấp các dịch vụ đảm bảo chất lượng tốt nhất, giá ưu đãi nhất cho người sử dụng. Số khách hàng có số dư biến động hầu hết là những khách hàng tiềm năng như kinh doanh online, hay người quản lý tài chính của gia đình… Ngoài ra, việc duy trì cước phí giá rẻ so với nhiều ngân hàng khác sẽ thu hút thêm được tệp khách hàng mới.

Trước việc đưa đẩy trách nhiệm như trên, theo một số chuyên gia, các ngân hàng cần ngồi lại với nhà mạng để đàm phán mức phí phù hợp hoặc khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận thông báo qua app, thay vì tăng phí dịch vụ SMS Banking.

Nói về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các nhà mạng cần thống nhất với nhau về quan điểm, cách làm, đưa ra mức phí dịch vụ phù hợp. Bởi hiện nay, các tổ chức tín dụng thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng thì rất mang tiếng nhưng nếu miễn phí cho khách hàng thì phải chịu nhiều áp lực về chi phí, nhất là trong bối cảnh đang hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay.

Vì thế, trong cuộc họp tới đây giữa các bên, để giảm chi phí cho ngân hàng, đại diện của nhà mạng Viettel đã đưa ra giải pháp tính phí trọn gói từ 10.000 đến 11.000 đồng cho 1 khách hàng/tháng sử dụng dịch vụ SMS của ngân hàng và không giới hạn số lượng SMS trong tháng…

Ngoài Viettel, 2 nhà mạng còn lại là VNPT và Mobifone cùng các ngân hàng cũng đồng thuận giải pháp tính phí trọn gói để áp dụng cho khách hàng trong thời gian tới.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều