Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhờ nhà máy thông minh
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP từ 6% lên 6,5% hàng năm từ năm 2023-2025 thông qua ứng dụng các mô hình sản xuất thông minh, đặt mục tiêu đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025 và đạt mức tăng trưởng bình quân 10-20%/năm về giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ngành sản xuất dự kiến sẽ đóng góp 10-20% vào tăng trưởng GDP.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số thúc đẩy các nhà máy sản xuất chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, cho phép thực hiện các giao tiếp từ máy tới máy (M2M) dựa trên nền tảng IoT nhằm mục tiêu tăng khả năng tự động hóa, cải thiện hoạt động kết nối, giao tiếp và giám sát quá trình sản xuất trong nhà máy.
Chia sẻ tại Hội thảo “Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh” được tổ chức vào ngày 26/4, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, IoT mở ra những tiềm năng lớn trong việc tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, linh hoạt và hiệu quả. IoT không chỉ làm thay đổi cách mà các nhà máy hoạt động, mà còn tạo ra một môi trường sản xuất linh hoạt và kết nối, giúp tăng năng suất và giảm chi phí. IoT kết hợp với AI cũng mở ra cánh cửa cho các hệ thống sản xuất tự động hoàn toàn.
Triển lãm thiết bị robot để sản xuất trong nhà máy thông minh. Ảnh: H.Dịu |
Lấy ví dụ từ chính nhà máy của Rạng Đông, đại diện Công ty cho biết, Rạng Đông đã nâng trình độ sản xuất trong các nhà máy lên tiệm cận công nghệ 4.0, với hệ thống tự động hoá một phần hoặc toàn bộ dây chuyền, ứng dụng robot và AI trong phân tích dữ liệu và điều hành sản xuất thông minh. Công ty cũng đã ứng dụng robot vào những khâu sản xuất phức tạp, sản xuất trong môi trường độc hại như sơn tĩnh điện, hàn, dập… để giảm tai nạn lao động.
Nhờ ứng dụng nhà máy thông minh, nên giá trị hàng tồn kho tại Rạng Đông đã giảm 30%, tiết kiệm chi phí lãi vay hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng… so với trước kia. Từ đó, các sản phẩm của Công ty đã đáp ứng yêu cầu đánh giá của các cơ quan chứng nhận quốc tế, đáp ứng các khách hàng "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… Ngoài ra, các lĩnh vực chiếu sáng thông minh, nhà thông minh của Rạng Đông cũng có sự phát triển.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại còn giúp tạo thành hệ sinh thái các sản phẩm thông minh tại Việt Nam, giúp tăng tốc độ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và đời sống của người dân.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Rogo Solutions cho rằng, hiện đang là thời kỳ của các thiết bị thông minh nên Công ty đang kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị gia dụng, máy móc để kết nổi thành chuỗi giá trị sản phẩm phục vụ cho hoạt động của nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh. Vị này kỳ vọng sẽ tạo thành hệ sinh thái cùng phát triển, từ đó xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ thông minh đến thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như mức độ sẵn sàng chưa cao, nguồn nhân lực đang thiếu và yếu về năng lực, mô hình quản trị và các quy trình đi kèm của các doanh nghiệp còn lạc hậu...
Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, các ngân hàng và đối tác công nghệ để thêm nguồn lực, nhân lực đáp ứng đòi hỏi của công nghệ cao. Chẳng hạn, mới đây, Rạng Đông đã ký kết hợp tác với Trường Quốc tế, Đại học Khoa học Tự nhiên đều thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các doanh nghiệp như Viettel, Ngân hàng MB để cung cấp, sản phẩm, dịch vụ hoàn thiện hơn cho người dùng.
Ý kiến bạn đọc