Quy định theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

(HQ Online) - Theo quy định của pháp luật về việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có 7 biện pháp thi hành.
6 tồn tại cần khắc phục trong công tác thi hành quyết định xử phạt hành chính
Khắc phục tồn tại trong công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính
Thẩm quyền trong thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính

Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại mục 2 Chương 3 Phần 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, được hướng dẫn chi tiết tại Điều 19, 20, 21, 22... Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ về các nội dung liên quan đến thi hành quyết định xử phạt.

Từ việc gửi quyết định xử phạt để thi hành, thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, thủ tục nộp tiền phạt, miễn, giảm tiền phạt, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt đã được quy định cụ thể.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hà Nam. Ảnh: H.Nụ
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hà Nam. Ảnh: H.Nụ

Theo đó, về thời hạn thi hành quyết định xử phạt, tại khoản 2 Điều 68, khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (trường hợp tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt khi giải quyết khiếu nại).

Ở biện pháp thứ 2, hậu quả pháp lý khi không chấp hành quyết định xử phạt đúng thời hạn đã được quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt Kho bạc Nhà nước... Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Cũng tại điểm a khoản 1 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng cho trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định nêu trên.

Biện pháp thứ 3 liên quan trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.

Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định thứ 4 về gửi quyết định xử phạt để thi hành: Người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt quyết định xử phạt đó trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cả nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định; trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu này được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Hết thời hiệu 1 năm, trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Liên quan đến miễn, giảm tiền phạt, Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định các trường hợp miễn, giảm tiền phạt và thủ tục xin miễn, giảm tiền phạt đối với trường hợp cá nhân, tổ chức không có khả năng thi hành quyết định được miễn toàn bộ tiền phạt.

Cuối cùng liên quan đến thủ tục nộp tiền phạt, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp thuộc: vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại khó khăn và phải nộp vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt; trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính và phải nộp vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.

Thủ tục nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt được quy định cụ thể tại Thông tư 153/2013/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 105/2014/TT-BTC ngày 7/8/2014 của Bộ Tài chính.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều