Nỗi lo chi phí tăng cao “đè nặng” doanh nghiệp

(HQ Online) - Theo phản ánh của các doanh nghiệp tới lãnh đạo Chính phủ, vấn đề chi phí gia tăng đang là thách thức lớn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi và tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Thủ tục hành chính về đất đai còn phức tạp, tạo chi phí lớn cho doanh nghiệp
Giảm giá xăng - giảm gánh nặng chi phí
Doanh nghiệp xuất khẩu chật vật giữa cơn bão chi phí
Xuất khẩu thuỷ sản sang EU trong 5 tháng đầu năm 2022 cũng tăng trưởng cao 45% đạt gần 562 triệu USD. 	Ảnh: T.H
Giá thức ăn chăn nuôi từ sau dịch đã tăng khoảng 20%, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành thủy sản. Ảnh: T.Hòa

Mức độ tăng của chí phí kinh doanh cao hơn doanh thu

Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp vào sáng 11/8, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vào cuối năm 2022.

Trong đó, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu là chủ yếu nên chịu nhiều tác động từ biến động địa chính trị thế giới. Chẳng hạn, lạm phát của Mỹ và châu Âu tăng cao đã ảnh hưởng đến sức mua của người lao động, khiến đơn hàng có xu hướng giảm đi. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng rất cao, gấp khoảng 3 lần so với 5 năm gần đây.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi từ sau dịch đã tăng khoảng 20%, trong khi giá thành thức ăn chăn nuôi ở sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70%, tác động chi phối rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các tháng cuối năm, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm, chi phí logistics tăng cao từ 3-5 lần. Mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý 2/2022 so với quý trước đó và cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nam cũng cho hay, trong 2 năm qua, chi phí vận tải biển và nhân công cũng đã tăng lên với các lý do liên quan đến dịch bệnh, ách tắc lưu thông và đến bây giờ là liên quan đến giá nhiên liệu tăng. Hiện giá vận tải 1 container đi châu Âu đã tăng đến 4 lần lên tới 10.000-12.000 USD, đi đến bờ Tây của Mỹ đang ở mức 400 triệu đồng… cùng nhiều chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.

Vì thế, các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và doanh nghiệp nói chung rất cần các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí, đặc biệt là giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Nói về sự ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel chia sẻ, vận chuyển hàng không khó khăn, giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm chiếm trên 60% chi phí trong khi cơ cấu giá áp dụng về xăng dầu thường chậm sau 1 tháng, vì vậy với các hãng hàng không, khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm thì lại không được hưởng ngay lập tức.

Còn theo ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, các doanh nghiệp logistics đánh giá rất cao nỗ lực và kết quả đạt được trong điều hành, bình ổn giá xăng dầu. Nhưng vị này cho rằng cần tiếp tục duy trì và đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý 2/2023.

Ngoài ra, với vấn đề về giá vận tải tăng, ông Lê Quang Trung lại nhận định rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi, bởi lợi nhuận "rơi vào túi" các hãng lớn của nước ngoài. Do đó, vị này kiến nghị cần tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn, cần thiết phải hỗ trợ phát triển đội tàu, cảng mang thương hiệu Việt Nam.

“Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng, nhưng đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới nên rất cần cơ chế để giành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu”, ông Lê Quang Trung đề xuất.

Điều hành giá cả phù hợp

Với những khó khăn nêu trên, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cơ quan chức năng cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp gồm các chi phí về thời gian, chi phí về nhân lực và chi phí tiền bạc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và hiệp hội cũng nêu mong muốn kéo dài một số chính sách hỗ trợ, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất…

Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Từ những ý kiến và kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, những vấn đề khó khăn của hiệp hội hay của doanh nghiệp đều cần sự hỗ trợ, tương tác, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước. Về vấn đề nguyên liệu đầu vào, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tìm cách tự chủ các nguyên liệu đầu vào, Bộ cũng đang triển khai thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm các cân đối lớn, cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện, than… với giá cả phù hợp hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp. Theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá phù hợp. Chú trọng công tác cung cấp thông tin, thị trường, giá cả, sự thay đổi các chính sách của các nước nhập khẩu để doanh nghiệp nắm thông tin chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ đẩy mạnh số hóa hoạt động của doanh nghiệp, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí.

Chia sẻ khó khăn này với doanh nghiệp, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều