Thủ tục hành chính về đất đai còn phức tạp, tạo chi phí lớn cho doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Dịu |
Nhằm hoàn thiện chính sách về đất đai, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào chiều 4/8 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đánh giá, Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, Luật Đất đai 2013 cũng đã bộc lộ các vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.
“Qua phản ánh từ thực tiễn kinh doanh, ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục liên quan rất phức tạp, đang tạo ra chi phí lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh”, ông Phạm Tấn Công nêu rõ.
Theo kháo sát hàng năm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện vẫn là một trong những nhóm thủ tục mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất trên thực tế.
Hơn nữa, Chủ tịch VCCI cũng nhìn nhận, quy định, trình tự thủ tục của Luật Đất đai và các luật liên quan chưa thống nhất với nhau, tạo ra nhiều điểm nghẽn trong thực tế.
Theo đó, năm 2019, VCCI đã tiến hành rà soát và phát hiện ra có ít nhất 25 điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó có nhiều điểm liên quan đến Luật Đất đai. Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật này tạo ra rủi ro pháp lý cho các cơ quan thực thi, làm đình trệ nhiều dự án và tăng chi phí cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, khối lượng văn bản hướng dẫn Luật Đất đai rất lớn, mức độ thay đổi của văn bản rất nhanh, chất lượng của các văn bản hướng dẫn và chất lượng thực thi pháp luật về đất đai trên thực tế vẫn là câu hỏi lớn.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, để thực hiện Luật Đất đai 2013, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành đến 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 07 nghị định sửa đổi, bổ sung và 02 nghị định ban hành thay thế); các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư.
Với thực tế nêu trên, Chủ tịch VCCI cho rằng, nhu cầu sửa đổi Luật Đất đai rất lớn, không chỉ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trên thực tiễn, giảm rủi ro pháp lý mà còn góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Cũng nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
Đánh giá về những thay đổi của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, các nội dung sửa đổi rất chi tiết, toàn diện và phù hợp với các nghị quyết, chỉ thị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đất đai và cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về quy hoạch, giá đất, giao đất, cho thuê đất…
Chẳng hạn, Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn, Trưởng ban pháp chế hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị cần phải bổ sung cơ chế về tài chính để chống đầu cơ đất đai, bởi hiện nay, giá đất không phù hợp với điều kiện kinh tế.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, pháp luật cần có quy định để xác định rõ như thế nào là giá đất phổ biến trên thị trường có sự biến động để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất. Bởi thực tế hiện nay, giá đất trên thị trường luôn luôn có sự biến động từng ngày.
Từ những ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến góp ý, đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp để giá đất sát giá thị trường, làm sao để chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế mà vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022 và kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023. Đồng thời, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Luật Đất đai sửa đổi đưa ra 8 điểm đổi mới quan trọng. Trong đó, dự thảo quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người. Dự thảo cũng hoàn thiện đồng bộ các quy định về xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp; công khai, minh bạch bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai; tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí; chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai… |
Ý kiến bạn đọc