Nhiều doanh nghiệp phía Nam tạm ngưng sản xuất, lo đứt gãy chuỗi sản xuất

(HQ Online) - Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam khiến không ít nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, nhiều doanh nghiệp đối tác lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu, đứt gãy chuỗi sản xuất.
Doanh nghiệp vận tải đối mặt với “vực sâu” Covid-19
Các doanh nghiệp EuroCham tự tin về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam
Doanh nghiệp lĩnh vực nào đạt lợi nhuận cao?
Nhiều doanh nghiệp phía Nam tạm ngưng sản xuất, lo đứt gãy chuỗi sản xuất
Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VSIP II, Bình Dương) chuẩn bị cơ sở vật chất cho công nhân ở lại nhà máy. Ảnh: DN cung cấp

Tạm ngưng sản xuất vì nhiều ca nhiễm Covid-19

Trong thông báo mới nhất, từ 13/7, UBND Quận 7, TP.HCM đã thiết lập phong tỏa đối với Khu chế xuất Tân Thuận do xuất hiện các ca mắc Covid-19 tại các doanh nghiệp trong khu này. Được biết, Khu chế xuất Tân Thuận hiện có khoảng 250 công ty với khoảng 60.000 người lao động.

Trước đó, tại Long An, ngày 11/7, UBND tỉnh Long An có văn bản yêu cầu các công ty, doanh nghiệp đã ghi nhận các trường hợp F0, F1 phải tạm ngưng hoạt động ngay để tập trung thực hiện công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly và khắc phục những tồn tại hạn chế theo quy định.

Đối với các công ty, doanh nghiệp còn lại trên địa bàn, UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu tạm ngưng hoạt động từ 0 giờ ngày 12/7 để rà soát, xây dựng phương án bố trí nơi ăn, nơi nghỉ cho công nhân lao động ngay tại công ty theo phương châm "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ).

Mới đây, Công ty Avery Dennison (công ty chuyên sản xuất và cung cấp các loại nhãn mác cho ngành bán lẻ, da giày, may mặc) đã gửi thông báo tới khách hàng cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, nhà máy sản xuất tại Long Hậu (Long An) sẽ tạm ngưng sản xuất từ 0 giờ ngày 13/7, thời gian quay trở lại sản xuất phải được chính quyền địa phương phê duyệt.

Còn tại Bình Dương, báo cáo của UBND tỉnh cho biết, tỉnh có 29 khu công nghiệp với 50.000 doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối mặt với những khó khăn như: Nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thiếu lao động, thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự hoặc thậm chí phải tạm ngưng hoạt động.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam đã được yêu cầu ngưng hoạt động để đảm bảo chống dịch. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp phía Bắc, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải “báo động đỏ”.

Ảnh hưởng tiến độ giao hàng

Đại diện một nhãn hàng thời trang quốc tế đang đặt may gia công tại Việt Nam cho hay, một số nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, các loại vải để gia công tại Long An bị đóng cửa nên có thể gây ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng. Cùng với đó, vị đại diện này còn lo ngại nếu thời gian đóng cửa lâu có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất trong các tháng cuối năm, nhất là hiện nay đang là thời gian cao điểm của việc sản xuất, xuất khẩu đơn hàng theo mùa vụ.

Cũng xác nhận tình trạng này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ở phía Nam cũng đóng góp một phần nguồn nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp dệt may phía Bắc. Việc một số địa phương, một số vùng bị giãn cách xã hội, doanh nghiệp có công nhân bị nhiễm Covid-19 khiến phải tạm ngừng hoạt động cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Hơn nữa, TPHCM lại là đầu nguồn trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, giữa các cảng biển quốc tế nên việc hạn chế lưu thông cũng gây tác động tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp đều phải đang lên kế hoạch tìm nguồn cung thay thế, hoặc huy động mọi nguồn lực để bảo đảm tiến độ giao hàng cho khách hàng.

Thông báo của Công ty Avery Dennison cũng nêu rõ sẽ tận dụng mọi khả năng, quy mô và phạm vi tiếp cận tại các cơ sở sản xuất toàn cầu để đảm bảo kế hoạch sản xuất liên tục cho khách hàng.

Hay mới đây, tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu công nghiệp Cầu Tràm (Long An), đồng tình với các chỉ đạo về giãn cách xã hội của tỉnh, nhưng các doanh nghiệp tại đây cũng đề nghị tỉnh sớm làm thủ tục hỗ trợ kiểm tra phương án để yên tâm sản xuất, kinh doanh cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vắc xin để tiêm cho lực lượng công nhân, lao động.

Còn theo ông Phí Ngọc Trịnh, Giám đốc Công ty May Hồ Gươm (Hà Nội), với tình hình Covid-19 trong nước, Công ty đã chuyển hướng nhập nguyên phụ liệu từ đối tác khác, từ thị trường nước ngoài để đảm bảo nguồn hàng sản xuất, do các đơn hàng dệt may từ nay đến cuối năm đã dồi dào.

Trước tình hình này, theo các chuyên gia, việc dập dịch ở các tỉnh phía Nam rất quan trọng bởi đây đều là các địa phương tập trung các nhà máy sản xuất, kinh doanh trọng điểm của cả nước, nên không thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều