Ngân hàng tăng lãi suất huy động, có nơi lên tới trên 12%/năm
Chứng khoán, tiền điện tử "đỏ lửa", gửi ngân hàng nào lãi suất cao? | |
Kỳ vọng lãi suất hỗ trợ tốt cho phục hồi kinh tế | |
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Đúng đối tượng, tránh dàn trải |
Lãi suất huy động tăng tại nhiều ngân hàng từ đầu tháng 2. Ảnh: Internet |
Nhiều ngân hàng lãi suất huy động trên 7%/năm
Bước vào tháng 2, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, kể từ 7/2, Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,4-0,5%/năm tại nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 5,8%/năm, tăng tới 0,4%/năm so với đầu tháng 1/2022. Đối với các nhóm khách hàng khác, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng tại Techcombank dao động từ 5,2-5,4%/năm dành cho sản phẩm tiết kiệm thông thường thay vì mức 4,8-4,9%/năm như trước đó.
Tương tự, VPBank cũng nâng mức lãi suất tiền gửi lên khá cao, tăng lãi suất tới 0,7%/năm tại nhiều kỳ hạn so với hồi đầu tháng 1/2022. Hiện khách hàng có thể hưởng lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank NEO.
Đối với sản phẩm tiết kiệm thường tại quầy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng dao động từ 4,8-5,8%/năm thay vì từ 4,5-5,1%/năm như trước. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất tại VPBank áp dụng từ 5,6-6,1%/năm thay vì 4,8-5,4%/năm…
Bên cạnh đó, lãi suất huy động cũng tăng nhẹ từ 0,1-0,2%/năm tại một số ngân hàng như Bac A Bank, DongA Bank...
Khảo sát trên thị trường, nhiều ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất huy động tiền gửi trên 7%/năm như SCB, Techcombank, MB và MSB… Một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất từ 6,6% đến dưới 7% như LienVietPostBank, VietABank, Vietbank, HDBank… Tuy nhiên, khách hàng muốn hưởng lãi suất cao phải đi kèm nhiều điều kiện như số lượng tiền gửi lớn, gửi kỳ hạn dài…
Trong khi đó, tại 4 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank thì lãi suất tiền gửi vẫn tương đổi ổn định với mức cao nhất là 5,5-5,6%/năm.
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Có thế thấy, vào dịp đầu năm sau tết Nguyên đán, khi có tiền nhàn rỗi, người dân vẫn có tâm lý hướng vào gửi tiết kiệm do tính ổn định và an toàn hơn so với các kênh đầu tư khác. Do đó, không chỉ tăng lãi suất để hút tiền gửi, các ngân hàng còn tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, lì xì hấp dẫn.
Mặc dù vậy, xét cho cùng, hiện kênh đầu tư này vẫn đang kém hấp dẫn hơn so với kênh đầu tư vào chứng khoán, bất động sản... do khả năng sinh lời thấp, cộng thêm áp lực lạm phát nên càng khó giữ chân người gửi tiền. Nhưng một tín hiệu khả quan cho kênh đầu tư này là nhiều dự báo cho rằng lãi suất sẽ tăng trong năm 2022. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế của Chính phủ mới được ban hành thì lãi suất nếu có tăng cũng không nhiều.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, mặt bằng lãi suất năm nay khó giảm thêm so với cuối năm trước và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh 0,25-0,5 điểm %, nhất là trong nửa cuối của năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 14%, mặt bằng lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022 và triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. SSI cho rằng, lãi suất huy động sẽ tăng 20-25 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, lãi suất huy động trong năm 2022 có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ cục bộ. Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay, nhưng áp lực này nếu có sẽ không lớn.
Nói về tác động của tăng lãi suất huy động đến lãi suất cho vay, theo các chuyên gia, điều này là không đáng ngại. Bởi thông lệ đầu năm, ngân hàng thường có xu hướng tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền, nhất là khi kinh tế đang phục hồi thì nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao. Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về giảm 2% lãi suất cho vay tại một số lĩnh vực. Khi chính sách này đi vào cuộc sống sẽ giúp mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, không tăng theo lãi suất huy động.
Cũng về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2022, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ý kiến bạn đọc