Chứng khoán, tiền điện tử "đỏ lửa", gửi ngân hàng nào lãi suất cao?
Kỳ vọng lãi suất hỗ trợ tốt cho phục hồi kinh tế | |
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Đúng đối tượng, tránh dàn trải | |
Cao điểm thanh toán cuối năm, lãi suất huy động tăng “cục bộ” |
Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên mức hấp dẫn hơn. Ảnh: Internet |
Ngay từ đầu tháng 1/2022, nhiều ngân hàng từ quy mô lớn đến nhỏ và vừa đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1-0,5 điểm % so với tháng trước.
Cụ thể, mới đây, SCB thông báo áp dụng biểu lãi suất mới tăng thêm từ 0,1-0,3%/năm so với trước điều chỉnh. Trong đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này lên tới 7,6%/năm, áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng. Đối với lượng tiền nhỏ hơn, khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 12 tháng trở lên vẫn được hưởng lãi suất lên tới 7%/năm, cao nhất 7,35%/năm khi gửi từ 18 tháng. Hiện, biểu lãi suất tiết kiệm dành thông thường cho khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại quầy của SCB dao động từ 4-7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.
Nam Á Bank cũng có lãi suất tiền gửi cao lên tới trên 7%/năm, cụ thể, khách hàng được hưởng lãi suất 7,4%/năm cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.
Tại VPBank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2-0,7% lên 5-6%/năm, áp dụng cho phân khúc khách hàng cá nhân gửi trực tiếp tại quầy, nhận lãi cuối kỳ. Với tiết kiệm online, lãi suất cao nhất là 6,5%/năm tăng 0,3 điểm %, áp dụng cho các khoản gửi từ 50 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng...
Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới từ đầu năm 2022, với lãi suất cao nhất lên 6,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng khi gửi online. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 điểm % lên 6,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,1%/năm.
Tiếp theo là ACB và Techcombank, lãi suất tiết kiệm cao nhất áp dụng tại 2 ngân hàng này là 7,1%/năm. MSB cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng…
Trong khi đó, 4 “ông lớn” ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank cũng đồng loạt áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,5-5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thông thường vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, các ngân hàng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Vì thời gian này, người dân và doanh nghiệp thường rút tiền để chi tiêu, mua sắm, trả lương thưởng cho người lao động... nên các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, cùng nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi để hút lại nguồn vốn.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 11/2021, tiền gửi dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) tại các tổ chức tín dụng đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.400 tỷ đồng so với mức ghi nhận cuối tháng 10. Trong khi tháng 10, lượng tiền gửi cũng đã sụt giảm hơn so với những tháng trước đó. Tính chung 11 tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư chỉ tăng gần 135.100 tỷ so với cuối năm 2020, tương đương 2,63%.
Theo các nhà phân tích, mức tiền gửi từ dân cư giảm thấp là do sức hấp dẫn của các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và tiền điện tử trong năm 2021 đã khiến người dân không còn “mặn mà” với ngân hàng. Vì thế, áp lực tăng lãi suất từ đầu năm như trên của các ngân hàng là động thái dễ hiểu.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, thị trường chứng khoán trong nước liên tục biến động gây sốc, có phiên giảm tới mấy chục điểm, thị trường tiền điện tử cũng giảm sâu chưa thấy đáy... đang giúp các ngân hàng thêm cơ hội hút lại dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Vì thế, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, lãi suất tiết kiệm trong năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %. Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát cộng thêm sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên.
Tương tự, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, mặt bằng lãi suất năm nay khó giảm thêm so với cuối năm trước và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh 0,25-0,5 điểm %, nhất là trong nửa cuối của năm.
Ý kiến bạn đọc