Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Đúng đối tượng, tránh dàn trải

(HQ Online) - Chính phủ vừa trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng trong kỳ họp Quốc hội bất thường. Trong đó sẽ có gói hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại với tổng giá trị 40.000 tỷ đồng.
Sớm triển khai gói hỗ trợ, tạo sức bật cho nền kinh tế vượt COVID-19
Dành trên 71.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội
Địa phương kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bổ sung nguồn lực hỗ trợ
Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng. Ảnh: Internet
Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Theo đánh giá, khi đi vào thực hiện, đây sẽ là gói hỗ trợ hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi, bởi trong thời gian qua, vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là câu chuyện vốn để quay trở lại sản xuất, bắt nhịp với yêu cầu mới của thị trường.

Trên thực tế, ngay từ khi xảy ra đại dịch, ngành Ngân hàng cũng đã vào cuộc giảm lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 giảm khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%. Toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm lãi, phí gần 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Vì thế, các doanh nghiệp và các chuyên gia đều bày tỏ mong muốn, gói hỗ trợ cấp bù lãi suất này cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên.

Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chương trình cần tập trung, tránh dàn trải và chỉ đầu tư cho những lĩnh vực chịu tác động của đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ chỉ dùng vào việc hỗ trợ chống đứt gãy, đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng phải tránh nguy cơ như trước đây và đặc biệt là việc lợi dụng để trục lợi.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị, để khắc phục những bất cập như gói hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2008-2009, Chính phủ, NHNN cần chỉ đạo rõ đối tượng, phạm vi hỗ trợ, tránh dàn trải và chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng, tránh áp lực tổ chức tín dụng buộc phải cho vay khi doanh nghiệp có nhu cầu vay.

Tại Việt Nam, năm 2022, nhiều ý kiến lo ngại lạm phát sẽ tăng mạnh, một phần do ảnh hưởng của nhập khẩu lạm phát, một phần do ảnh hưởng các gói kích thích sắp được thực hiện. Nhưng theo tôi, với kinh nghiệm điều hành của NHNN, lạm phát năm 2022 sẽ không đáng ngại, chỉ quanh 3% vì quy mô gói kích thích không lớn, thực hiện trong nhiều năm. Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cũng không đủ sức gây ra lạm phát vì quan điểm của NHNN là không tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng.

(Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa)

Ngoài ra, một vấn đề khác được các chuyên gia đề cập là rủi ro lạm phát, bởi gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sẽ tương ứng mỗi năm có hơn nửa triệu tỷ đồng vốn rẻ được bơm ra nền kinh tế. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp quan trọng nhất hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Hiểu được những kiến nghị trên, trong chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang trình Quốc hội cũng đã nêu định hướng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm. Trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao có sự điều chỉnh linh hoạt.

Các tổ chức tín dụng cũng cần tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. NHNN cần điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ chương trình.

Nói thêm về gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 7/1, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ điều tiết để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn tín dụng đáp ứng được yêu cầu cho gói này. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi hướng dẫn, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung đối tượng có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế gói hỗ trợ trước.

Tuy vậy, để đảm bảo tính công khai minh bạch, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ Tài chính rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế, giúp ngân hàng yên tâm cho vay và tránh nguy cơ cho vay "sân sau".

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều