Ngân hàng lên tiếng về những khoản vay nghìn tỷ của FLC

(HQ Online) - Thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về những khoản vay của FLC lên tới nghìn tỷ đồng tại một số ngân hàng.
Ủy ban Chứng khoán thông tin về việc bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
Tập đoàn FLC thông tin chính thức việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố
Doanh nghiệp vay vốn hàng nghìn tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh
Tập đoàn FLC và Ngân hàng Quốc Dân (NCB) ký kết hợp tác về việc triển khai các giải pháp tài chính cho khách hàng mua nhà dự án FLC Legacy Kontum
Tập đoàn FLC và NCB ký kết hợp tác về việc triển khai các giải pháp tài chính cho khách hàng mua nhà dự án FLC Legacy Kontum hồi tháng 6/2021.

Hiện đã có một số ngân hàng lên tiếng về những khoản tín dụng cho FLC trước những lo ngại của giới đầu tư.

Theo thông cáo phát đi vào sáng nay, Sacombank khẳng định hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo. Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank.

Ngân hàng này cũng cho hay, như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank.

Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần không nhiều là cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways.

Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu BAV của Bamboo Airways, vị này cho biết, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB. Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng.

Nói thêm về FLC, theo lãnh đạo OCB, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. Mặc dù lãnh đạo FLC bị tạm giam nhưng hoạt động của FLC hiện đang khá ổn. Bamboo Airways là hãng hàng không tốt và đang trong giai đoạn phục hồi lĩnh vực du lịch, nên OCB không có ý định bán giải chấp cổ phiếu.

Tương tự, lãnh đạo một ngân hàng lớn khác cũng cho biết, ngân hàng cho vay chỉ nhận thế chấp bằng bất động sản và giá trị lớn hơn rất nhiều khoản vay, nên không mấy lo ngại về những hợp đồng tín dụng với FLC.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngân hàng đang cấp tín dụng cho FLC, Bamboo Airways sẽ phải đánh giá lại những khoản vay để yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, bổ sung trích lập dự phòng để tăng hệ số an toàn.

Hiện trên thị trường chứng khoán, những ảnh hưởng từ vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết đến cổ phiếu các ngân hàng chưa nhiều, ngoại trừ phiên giảm mạnh ngày 28/3, đến nay, cổ phiếu ngân hàng vẫn có diễn biến khá tích cực.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Tập đoàn FLC, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng tài sản của FLC lên tới gần 34.000 tỷ đồng nhưng Tập đoàn này có gần 24.065 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm hơn 71% tổng nguồn vốn, nợ ngắn hạn chiếm 66%.

Ngân hàng cho FLC vay vốn tín dụng nhiều nhất là Sacombank với tổng dư nợ 1.840 tỷ đồng qua 2 lần ký kết hợp đồng tín dụng vào những tháng đầu năm 2021, tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay và quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Ngoài ra, “chủ nợ” của FLC còn có BIDV với hơn 1.747 tỷ đồng, OCB với hơn 1.390 tỷ đồng, NCB với 634 tỷ đồng, Agribank với 169 tỷ đồng… Ngoài ra, FLC còn một khoản nợ trái phiếu ngắn hạn 150 tỷ đồng với Công ty Chứng khoán MBS...

Tài sản đảm bảo của các khoản tín dụng này đa phần là tài sản hình thành từ vốn vay hoặc quyền sử dụng đất, trong đó 1 khoản vay tại NCB từ năm 2020 thời hạn 12 tháng với tài sản đảm bảo là 60 triệu cổ phần BAV của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Các khoản vay của FLC có lãi suất thả nổi, theo từng khế ước nhận nợ, hoặc trong khoảng 7,5-10,5%/năm.

Không chỉ Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes) cũng vay vốn hàng trăm tỷ đồng tại nhiều ngân hàng với tài sản thế chấp là số lượng lớn cổ phiếu BAV. Dù không phải công ty con hay công ty liên kết của FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng không nắm giữ chức vụ nào nhưng bà Bùi Hải Huyền, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc FLC lại đang là Chủ tịch HĐQT của FLCHomes.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2021 của FLCHomes, từ năm 2020, FLCHomes đã ký hợp đồng tín dụng với NCB chi nhánh Hà Nội với hạn mức 230 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản của bên thứ ba là 30 triệu cổ phiếu BAV do ông Trịnh Văn Quyết và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) sở hữu cùng 30 triệu cổ phiếu BAV do FLC nắm giữ.

Từ tháng 6/2021, Sacombank ký thỏa thuận cho FLCHomes vay 400 tỷ đồng với mục đích bù đắp vốn tự có đã chi. Tài sản đảm bảo của khoản vay là 57,5 triệu cổ phần BAV do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu và toàn bộ tài sản/quyền tài sản thuộc và/hoặc liên quan đến dự án sân golf Hạ Long.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều