Doanh nghiệp vay vốn hàng nghìn tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh

(HQ Online) - Tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2022 đã tăng trưởng khá mạnh khi có không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn vay lượng vốn “khủng” để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu vay vốn tăng, ngân hàng nâng "chất" cho “room” tín dụng
Làm thế nào để được hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước?
Hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng ồ ạt "tung vốn" ưu đãi từ đầu năm
Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet
Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet

8 ngân hàng cho 1 doanh nghiệp vay 35.000 tỷ đồng

Câu chuyện gây xôn xao gần đây nhất là việc Vietcombank làm đầu mối để cùng với VietinBank, BIDV, Agribank và 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân: MB, VPBank, MSB, TPBank ký hợp đồng tín dụng quy mô lên tới 35.000 tỷ đồng với Tập đoàn Hòa Phát để triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đây là dự án lớn nhất của Tập đoàn với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm và tổng nhu cầu vốn đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng. Dự kiến khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đưa sản lượng thép của doanh nghiệp đạt 14 triệu tấn/năm và giải quyết thêm hơn 8.000 lao động tại địa phương. Trong khi đó, đại diện các ngân hàng cho biết tin tưởng vào việc triển khai và vận hành thành công dự án, nên cam kết sẽ dành những nguồn lực tối ưu cũng như hỗ trợ các giải pháp tài chính và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho Hòa Phát.

Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm này, đây là khoản cấp tín dụng quy mô lớn nhất được ký kết trong bối cảnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ triển khai.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã cùng ký kết với các ngân hàng hợp đồng tín dụng với giá trị lớn. Chẳng hạn, HĐQT Techcombank đã có nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng 250 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage. Khoản tín dụng này có thời hạn 12 tháng nhằm tài trợ chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Techcombank cũng cấp thêm hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng cho Phúc Long để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành viên của Tập đoàn Masan, công ty TNHH The Sherpa là đơn vị bảo lãnh cho khoản vay của Phúc Long tại Techcombank.

Còn vào đầu tháng 2, BIDV tham gia hợp vốn cùng với Bắc Á Bank, Vietcombank, Agribank thống nhất cấp vốn tín dụng cho dự án hợp tác công tư (PPP) Diễn Châu - Bãi Vọt của Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng. Hạn mức tín dụng dự án được cấp là 3.560 tỷ đồng.

Nỗi lo tiếp cận vốn

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, có thể xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu, góp phần đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Ngoài ra, khảo sát trên thị trường thời gian qua dễ nhận thấy, các ngân hàng đều đang tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình vay vốn ưu đãi để giúp doanh nghiệp phục hồi sau thời gian chịu tác động đại dịch.

Tuy nhiên, có thể thấy, những hợp đồng tín dụng “khủng” nêu trên đều dành cho những doanh nghiệp lớn, nhiều tên tuổi. Trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khó tiếp cận vốn. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dư nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức 22-25% tổng dư nợ, 60% doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Bên cạnh đó, hợp đồng tín dụng "khủng" cần phải được xét duyệt trên nhiều yếu tố, nhất là năng lực trả nợ của các doanh nghiệp vay vốn.

Những ngày gần đây, dư luận tỏ ra nghi ngờ về năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt khi dù thua lỗ, nợ thuế vẫn xin tăng vốn đầu tư lên gấp 3 lần, từ 875,6 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng nhằm bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng mới công viên chuyên đề, công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf tại Sân Golf Đồi Cù. Theo phương án huy động vốn mà công ty đưa ra, Nam A Bank đã có thư cam kết cấp tín dụng số 331/2022 với số tiền gần 1.652 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục nêu trên. Tuy nhiên, theo thông báo của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, tại thời điểm cuối tháng 11/2021, Hoàng Gia Đà Lạt đứng đầu về danh sách nợ thuế của tỉnh với số nợ gần 56,5 tỷ đồng. Các năm trước đó, công ty này cũng liên tục đứng trong danh sách nợ thuế.

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng luôn rất cần thiết với hoạt động doanh nghiệp, nên ngân hàng cũng là một mắt xích quan trọng trong chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Nhưng vấn đề là tín dụng phải đến đúng địa chỉ, dự phòng rủi ro hợp lý để tránh những hậu quả về sau.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều