Thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh

(HQ Online) - Sẽ có 7 nhóm hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ chịu tác động bởi Thỏa thuận Xanh châu Âu, nên các doanh nghiệp cho rằng cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp thực hiện.
Tỷ trọng tín dụng xanh còn thấp do thiếu tiêu chí đánh giá cụ thể Công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2024: Vươn mình trong kỷ nguyên xanh Điều kiện cần để vận hành doanh nghiệp kinh doanh "vị tự nhiên"

Chia sẻ tại hội thảo về thúc đẩy quan hệ hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được tổ chức vào ngày 11/12/2024, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, sản xuất xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và lựa chọn tất yếu.

Chính phủ đã cam kết quyết liệt hành động vì mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 sau ký kết tại Hội nghị COP26, COP28.

Cũng như chấp thuận các yêu cầu từ những đối tác về Thỏa thuận Xanh châu Âu....

Hơn nữa, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã thể chế hóa nhiều quy định liên quan đến bảo vệ môi trường phát triển xanh của các tổ chức, cá nhân sản xuất và nhà nhập khẩu.

Nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng sâu và rộng vào các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, tới đây, sẽ có 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ chịu tác động bởi Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Đó là điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; dệt may, giày dép; hóa chất như phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm và xi măng; bao bì thực phẩm, hóa chất...

Chia sẽ về vấn đề trên, các doanh nghiệp nhận định, đây lại là cơ hội giúp thúc đẩy, khích lệ các công ty, nhà sản xuất sử dụng công nghệ sạch, mở rộng thị trường.

Nhưng cũng có không ít thách thức khi chính sách về phát triển xanh sẽ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất và liên tục phát triển theo thời gian.

Đồng thời không có một bộ tiêu chuẩn xanh chung, không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả hàng hóa xuất khẩu.

Cũng như những hạn chế về năng lực chuyển đổi: công nghệ, kiểm soát chuỗi cung ứng, kỹ năng của lao động, năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin nên đòi hỏi các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, đầu tư vốn, năng lực quản trị....

Thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh
Sản xuất xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và lựa chọn tất yếu. Ảnh: ST

Do đó, TS. Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời.

Ban hành hướng dẫn thực hiện để triển khai tới các địa phương, dễ dàng cho các doanh nghiệp thực hiện.

Đồng thời, phối hợp, đàm phán, đối thoại với các đối tác thương mại để trao đổi cách thức thực thi.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về phân loại xanh, phát triển hệ thống tài chính xanh.

Đặc biệt cần thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh và tăng cường truyền thông mạnh mẽ hơn tới cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị cần có sự chủ động tìm hiểu về các thoả thuận xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm xuất khẩu.

Các doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị và hành động từ sớm và tích cực tăng cường năng lực: vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị…

Doanh nghiệp nên chủ động kiểm soát lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất; đồng thời, hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường...

Trong đó, với các doanh nghiệp do nữ làm chủ, để có thể triển khai hoạt động sản xuất xanh hóa, các chuyên gia cho biết đang triển khai một số chương trình hỗ trợ mang tính chất đặc thù, như về tài chính xanh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...

Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWBC - VCCI) chia sẻ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trong bối cảnh tăng trưởng xanh là chìa khóa góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh - nơi phụ nữ có thể phát huy tiềm năng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xanh.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều