Nếu VNPost và LPBank "chia tay" thành công, phòng giao dịch bưu điện không được nhận tiền gửi
LPBank và Bưu điện Việt Nam tuyệt đối tuân thủ và đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 11/2023/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).
Trong đó, Thông tư 11 đã sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản về nội dung hoạt động của phòng giao dịch bưu điện sau khi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LPBank.
Thông tư quy định, sau 7 ngày làm việc kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LPBank, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.
Theo thông tin từ LPBank, ngân hàng này hiện đang có khoảng 568 phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc.
Việc xử lý các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó của phòng giao dịch bưu điện khi không thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Các khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đến hạn trả, phòng giao dịch bưu điện tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã thỏa thuận với khách hàng.
Các khoản tiền gửi tiết kiệm đến hạn trả, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn, LPBank tiếp nhận, xử lý theo quy định nội bộ, quy định của pháp luật về tiền gửi tiết kiệm và chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện.
Thông tư 11 cũng quy định, Thống đốc NHNN ủy quyền cho Giám đốc NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện chấp thuận hoặc không chấp thuận việc chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện trên địa bàn; xác nhận đủ điều kiện hoạt động tại địa điểm mới đối với phòng giao dịch bưu điện thay đổi địa điểm trên địa bàn; bắt buộc chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện trên địa bàn.
Về trách nhiệm của LPBank, Thông tư 11 yêu cầu, sau thời điểm VNPost thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LPBank, chậm nhất ngày 15 hàng tháng, LPBank báo cáo NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện tình hình xử lý tiền gửi tiết kiệm của từng phòng giao dịch bưu điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.
LPBank cũng phải chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện; báo cáo NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tổ chức, hoạt động phòng giao dịch bưu điện trên địa bàn. LPBank phải quản lý , giám sát thường xuyên hoạt động của phòng giao dịch bưu điện.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày phòng giao dịch bưu điện chi trả hết tiền gửi tiết kiệm hoặc LPBank tiếp nhận trong trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn, LPBank phải có văn bản báo cáo NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện.
Thông tư 11 yêu cầu LPBank có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý tiền gửi tiết kiệm đến hạn không chi trả hết của phòng giao dịch bưu điện theo quy định nội bộ và quy định của pháp luật.
Hiện VNPost đang sở hữu hơn 140,5 triệu cổ phần tại LPBank, tương đương 8,13% vốn điều lệ. Trước đó, vào tháng 2/2023, NHNN đã có văn bản chấp thuận đề nghị của LPBank về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu.
Văn bản của NHNN yêu cầu LPBank có trách nhiệm phối hợp với VNPost thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định pháp luật; xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thực hiện chuyển nhượng cổ phần và có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LPB (bao gồm hệ thống phòng giao dịch bưu điện).
Văn bản này của NHNN có giá trị thực hiện trong thời gian 3 tháng kể từ ngày ký, nhưng đến nay việc thoái vốn này vẫn chưa thành công.
Vào khoảng giữa tháng 4/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo kế hoạch tổ chức phiên bán đấu giá hơn 140 triệu cổ phần LPB của LPBank do VNPost sở hữu với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu (cao gấp 1,5 lần thị giá cổ phiếu LPB trên sàn thời điểm đó). Tuy nhiên sau đó, HNX đã ra thông báo không tổ chức phiên đấu giá do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần.
Đây không phải lần đầu VNPost thoái vốn bất thành khỏi LPBank. Hồi đầu năm 2022, VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng, nhưng chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua 800 cổ phiếu LPB với giá đấu bình quân 29.483 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính đã được soát xét của LPBank, nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt hơn 1.950 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của LPBank đến cuối quý 2/2023 ở mức hơn 350.240 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của LPBank đã tăng mạnh từ mức 1,46% hồi cuối năm 2022 lên 2,23% sau 6 tháng, khối lượng nợ xấu tăng tới 65% chủ yếu do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 80% so với cuối năm 2022.
VNPost: Đảm bảo quyền lợi khách hàng đang sử dụng dịch vụ Trong thông cáo phát đi vào ngày 7/9/2023, VNPost cho biết, LPBank và VNPost đảm bảo tuân thủ tuyệt đối quy định của Thông tư 43, Thông tư 11 của NHNN, pháp luật Việt Nam. Trong mọi trường hợp, quyền lợi của khách hàng luôn được đặt ở vị trí cao nhất và được đảm bảo tuyệt đối. Ở thời điểm hiện tại, mọi hoạt động tiết kiệm bưu điện, tài chính, tín dụng khác vẫn đang diễn ra bình thường tại các điểm giao dịch của VNPost trên toàn quốc. Việc cung cấp dịch vụ sẽ được chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa theo đúng hướng dẫn của Thông tư. Theo VNPost, việc thoái vốn khỏi LPBank được thực hiện theo lộ trình và các quy định của Nhà nước về đấu giá trên thị trường chứng khoán. Nếu thành công cũng sẽ không gây ra bất kì sự ảnh hưởng nào đến quyền lợi của khách hàng đang sử dụng các dịch vụ do ngân hàng cung cấp qua mạng lưới bưu điện. |
Ý kiến bạn đọc