Dần "hé lộ" kết quả kinh doanh, nợ xấu một số ngân hàng tăng

(HQ Online) - Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng đang dần được “hé lộ”, trong đó, bức tranh nợ xấu vẫn bao phủ gam màu xám.
Ngân hàng đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay Rủi ro nợ xấu gia tăng, ngân hàng đề nghị quy định về quyền đòi nợ 12 ngân hàng đã tham gia gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản
Dần
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 của LPBank giảm mạnh trong khi nợ xấu tăng lên. Ảnh: ST

Chi phí lãi tăng làm ảnh hưởng lợi nhuận

Đến nay, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, trong đó có ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận nhưng cũng có ngân hàng lợi nhuận đi xuống.

Cụ thể, tính đến 30/6/2023, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ; tiếp đến là PGBank với lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận ở mức “nhẹ nhàng” như MSB đạt 3.548 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; BacABank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10% so với 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù kết quả lợi nhuận quý 2/2023 lại giảm tới 25%.

Ở chiều ngược lại, do sụt giảm đáng kể từ thu nhập lãi thuần, trích lập dự phòng tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng của ABBank đạt hơn 541 tỷ đồng, giảm mạnh tới 59% so với mức hơn 1.328 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là lợi nhuận trong quý 2/2023 giảm mạnh tới 94% khi chỉ ghi nhận vỏn vẹn 52,5 tỷ đồng.

Báo cáo giải trình của LPBank cho biết, lãi suất huy động tăng cao nên ảnh hưởng một phần đến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng, khiến thu nhập lãi giảm so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt hơn 1.951 tỷ đồng, giảm gần 32% so với con số hơn 2.855 tỷ đồng đạt được ở cùng kỳ năm trước.

Tương tự, dù ghi nhận được một khoản thu nhập lớn từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý 2/2023 nhưng theo giải trình của TPBank, bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức tương đối cao khiến lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của ngân hàng này giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.706 tỷ đồng, giảm hơn 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng loạt tăng khối lượng nợ xấu

Bên cạnh lợi nhuận “kém sáng”, tình hình nợ xấu của các ngân hàng cũng ở mức đáng báo động.

Tại TPBank, nợ xấu tính đến hết quý 2/2023 tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm lên 3.912 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp hơn 5,5 lần lên 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng gần gấp 2,5 lần lên gần 1.130 tỷ đồng.

Tại LPBank, tổng nợ xấu cũng tăng từ hơn 3.425 tỷ đồng vào cuối năm 2022 lên hơn 5.655 tỷ đồng sau 6 tháng năm 2023, nghĩa là tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức hơn 1,4% tổng dư nợ lên mức 2,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại suy giảm, từ 142% xuống 78%.

Đáng lưu ý, khối lượng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của LPBank tăng khá mạnh, gấp gần 2 lần so với hồi cuối năm trước lên gần 2.440 tỷ đồng.

Tương tự, BacABank cũng ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32% lên mức xấp xỉ 679 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp gần 3,2 lần sau 6 tháng; nợ nghi ngờ tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của BacABank cũng thuộc nhóm dẫn đầu, đạt 158% tính tới cuối tháng 6/2023.

Tại PGBank, khối lượng nợ xấu cũng tăng thêm gần 12,7% sau 6 tháng, đưa tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này lên mức 2,77% tính đến giữa năm 2023.

Dù chưa công bố báo cáo tài chính hay kết quả kinh doanh, nhưng trong hội nghị của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank tiết lộ, đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 0,85%. Con số này mặc dù ở mức thấp nhất hệ thống, song so với thời điểm cuối năm 2022 thì đã có sự nhích lên (cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Vietcombank khoảng 0,68%).

Tại Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV cho biết, ngân hàng đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu từ 8,1% xuống chỉ còn 1,86% trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ này đã tăng trở lại khi các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng. Hiện tỷ lệ nợ xấu của Agribank tại thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và vị này cũng nhận định, áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn.

Trong báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2023 của Công ty Chứng khoán SSI, 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý 2 so với cùng kỳ, bao gồm: ACB, Techcombank, TPBank, VPBank. Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng ước tính lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng nghiên cứu chỉ tăng khoảng 12-15% trong năm 2023. Riêng 6 tháng cuối năm, HSC ước tính lợi nhuận sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều