“Soi” cổ đông ngân hàng sở hữu 1% vốn trở lên

(HQ Online) - Đến nay, một số ngân hàng đã công khai danh sách thông tin cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần từ 1% trở lên theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào năm 2024.
Lợi nhuận ngân hàng có cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng Cổ đông ngân hàng kỳ vọng mùa đại hội Ngân hàng với bài toán thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
“Soi” cổ đông ngân hàng sở hữu 1% vốn trở lên
Công khai cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ giúp hỗ trợ kiểm soát tình trạng sở hữu chéo. Ảnh: ST

Theo quy định tại Luật với hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin về cá nhân, thông tin về người có liên quan, thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần… theo quy định.

Các tổ chức tín dụng phải niêm yết, lưu giữ thông tin như trên tại trụ sở chính, trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng và gửi báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, cổ đông và người có liên quan chỉ được phép nắm giữ 15% vốn điều lệ thay vì 20% như trước đây. Trường hợp nhóm này đã sở hữu cổ phần theo quy định trước ngày 1/7 vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo định nghĩa tại Khoản 24, Điều 4 đối với cá nhân, người liên quan sẽ gồm vợ/chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại…

Theo các chuyên gia, việc công bố này là biện pháp cần thiết để kiểm soát tình trạng sở hữu chéo.

Chuyên gia tài chính- ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc công bố và giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Vì thế, với những quy định nêu trên, từ giữa tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng đã ra thông báo yêu cầu cổ đông cung cấp thông tin và đến nay đã công bố danh sách cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần từ 1% trở lên.

Tại MSB, theo thông tin được công khai, ngân hàng nay có 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, VNPT là cổ đông chiến lược nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao nhất với gần 121 triệu cổ phần, tương đương 6,05% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo đề án cơ cấu lại VNPT mới được phê duyệt vào giữa tháng 7 thì đến hết năm 2025, VNPT sẽ thoái vốn tại MSB.

Các cổ đông lớn tiếp theo là 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái ROX Group (trước đây là TNG Holdings) nắm giữ gần 5,4% vốn điều lệ của MSB, bao gồm: Công ty CP ROX Key Holdings, Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp như Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài: 4,96%; Công ty TNHH Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội: 4,97%; Công ty Xây dựng và Kinh doanh Cơ sở Hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư: 4,98%.

Với khối ngoại, quỹ Buenavista Holdings nắm giữ 2,02% vốn của MSB. Phía nhà đầu tư cá nhân thì chỉ có ông Nilesh Ratilal Banglorewala nắm giữ 3,32% vốn điều lệ ngân hàng – vị này từng giữ chức Giám đốc khối tại MSB.

Tại VPBank, theo thông tin công bố thì ngân hàng có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân (nắm giữ hơn 40,8% vốn ngân hàng) và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phần, chiếm hơn 64% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong nhóm cá nhân, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank nắm 4,14% vốn, nhưng người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ hơn 2,34 tỷ cổ phần, chiếm 29,5% vốn điều lệ.

Ngoài ra, 4 cổ đông tổ chức tại VPBank gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông chiến lược khi đang sở hữu hơn 1,19 tỷ cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ; tiếp đến là Công ty Cổ phần DIERA, Quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt sở hữu 4,4%, 2,73% và 1,28% vốn điều lệ.

Ngân hàng MB lại chỉ có 2 cổ đông nắm giữ trên 1% vốn gồm Công ty Prudential Việt Nam đang sở hữu hơn 65,7 triệu cổ phần, chiếm 1,24% vốn điều lệ; người có liên quan đến công ty này sở hữu 0,02% vốn điều lệ. Cổ đông thứ 2 là quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits) với hơn 86,3 triệu cổ phần, chiếm 1,63% vốn điều lệ.

Tại LPBank, VNPost đang nắm giữ gần 167,2 triệu cổ phần, tương ứng 6,54% vốn điều lệ ngân hàng. Cổ đông còn lại là ông Nguyễn Đức Thụy, hiện là Chủ tịch HĐQT LPBank, sở hữu gần 2,77% vốn.

Tại HDBank, không có cá nhân nào sở hữu trên 1% vốn điều lệ. 2 cổ đông tổ chức là Baillie Gifford Pacific Fund nắm giữ 64,15 triệu cổ phần (2,19% vốn điều lệ) và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) nắm giữ 64,47 triệu cổ phần (2,2%). Ngoài 2 quỹ ngoại, một cổ đông lớn khác Công ty Cổ phần Sovico đang nắm giữ 14,27% vốn điều lệ HDBank.

Tại Eximbank, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ); tiếp theo là Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 3,58%; Công ty Cổ phần Thắng Phương với 3,07% vốn. Ngoài ra, còn có 2 nhà đầu tư cá nhân sở hữu lần lượt 1,03% và 1,12% vốn.

Tại OCB, theo công bố, số lượng cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ khá đông đảo với 7 cổ đông cá nhân và 13 cổ đông tổ chức. Trong đó, cổ đông tổ chức sở hữu lớn nhất là Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) với hơn 308 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 15% vốn điều lệ. Cá nhân sở hữu lớn nhất là ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB với hơn 4,4% vốn điều lệ, nhưng lượng cổ phần của người có liên quan đến ông Tuấn chiếm gần 15,5% vốn điều lệ của OCB.

Tuy nhiên, nếu tính cộng gộp cả cổ phần của cổ đông và người có liên quan thì Công ty TNHH Đầu tư TQA do bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Trịnh Văn Tuấn) làm người đại diện đang sở hữu gần 19,8% vốn điều lệ. Tiếp đến là vợ và 3 con gái của ông Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan, mỗi người đều sở hữu tỷ lệ trên 19% vốn điều lệ tại OCB.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

(HQ Online) - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chính thức khai trương Bệnh viện Đa khoa tại Quận 8 có địa chỉ 316C Phạm Hùng, phường 5, quận 8, TPHCM. Đây là bệnh viện thứ tư trong hệ thống, mang đến dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu, hiện đại cho người dân khu vực phía Tây Nam TPHCM, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh lân cận.
Triển khai ngân hàng xanh – Xu hướng của tương lai

Triển khai ngân hàng xanh – Xu hướng của tương lai

(HQ Online) - Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm của các ngành sản xuất hay các tổ chức chính phủ mà cần có sự tham gia của tất cả các lĩnh vực. Chắc chắn rằng, ngành ngân hàng không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi xanh vì một nền kinh tế xanh và cuộc sống xanh.
Hành trình định vị thương hiệu THILOGI

Hành trình định vị thương hiệu THILOGI

(HQ Online) - Với sự tập trung không ngừng vào việc nâng cấp và hoàn thiện mô hình logistics chất lượng cao, THILOGI đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tại miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Campuchia tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đọc nhiều