Chưa hoàn thiện hồ sơ, LPBank lùi lịch "chốt" việc mua 5% cổ phần FPT
Đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp LPBank đa dạng hoá kênh đầu tư. |
Vừa qua, LPBank đã thông báo hoãn phiên họp ĐHĐCĐ bất thường sang ngày 15/11/2024 với lý do để HĐQT hoàn thiện các hồ sơ trình ĐHĐCĐ.
Theo kế hoạch, tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới, HĐQT LPBank sẽ trình cổ đông bầu bổ sung thành viên HĐQT nhằm sớm đáp ứng yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 16,8% cũng sẽ được đề xuất phê duyệt.
Đồng thời, ngân hàng cũng dự định trình phương án đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ vào Công ty Cổ phần FPT. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 và 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Theo tờ trình của HĐQT LPBank, bên cạnh hoạt động kinh doanh đóng vai trò trung tâm, việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp LPBank đa dạng hoá kênh đầu tư và tối ưu hoá vốn góp của cổ đông.
Qua đánh giá, HĐQT LPBank nhận thấy cổ phiếu của FPT có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản của ngân hàng.
Tính đến ngày 30/06/2024, FPT có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 5,75% vốn và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty nắm 6,99% vốn. Nếu thương vụ thành công thì LPBank sẽ trở thành cổ đông lớn thứ 3 của FPT.
Trên thị trường chứng khoán, ngay sau khi LPBank công bố kế hoạch vào ngày 19/9/2024, thị giá cổ phiếu FPT đã vọt tăng mạnh hơn 63% đạt 135.200 đồng/cổ phiếu so với đầu năm 2024, sang phiên 20/9 có thời điểm đạt đỉnh 136.700 đồng/cổ phiếu. Đến phiên giao dịch sáng 23/9, cổ phiếu FPT đã giảm xuống khoảng 134.800 đồng/cổ phiếu.
Báo cáo tài chính của LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của LPBank đã chậm lại trong quý 2/2024, khi chỉ tăng 3,2% so với mức 11,7% của quý 1/2024.
Trong khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của LPBank chỉ tăng nhẹ từ 1,34% hồi đầu năm 2024 lên 1,73% sau 6 tháng đầu năm 2024, nhưng tốc độ tăng lại ở mức cao tới gần 49%. Đồng thời, đến quý 2/2024, các khoản lãi và phí phải thu của LPBank đã tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước, lên 6.078 tỷ đồng, chiếm 42%tổng thu nhập lãi ròng.
Theo đánh giá của các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect, tốc độ hình thành nợ xấu của LPBank cao thứ 4 trong số các ngân hàng cùng ngành do ngân hàng đã tăng cường hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản trong nửa đầu năm. Điều này cũng dẫn đến tỷ lệ hình thành nợ xấu của LPBank sẽ tăng trong năm 2025.
LPBank đã ký các hợp đồng tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng với 2 đối tác lớn là Tập đoàn Hưng Thịnh và Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt lo ngại về khả năng thanh toán nợ của Hoàng Anh Gia Lai khi công ty này có dòng tiền hoạt động âm kể từ quý 2/2023.
Vào tháng 7/2024, LPBank đã chính thức đổi tên từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam và thay đổi nhận diện thương hiệu, trong bối cảnh Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng.
Ý kiến bạn đọc