Miễn thuế nếu phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất được phép tiêu hủy
Tổng cục Hải quan nhận được kiến nghị tháo gỡ vướng mắc của Công ty TNHH Piaggio Việt Nam liên quan đến chính sách thuế nguyên vật liệu nhập khẩu, phế liệu, phế phẩm, thành phẩm sản xuất xuất khẩu phải tiêu hủy.
Để công ty nắm được các quy định, theo Tổng cục Hải quan, khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế đối với: “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”.
Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, bao gồm: “Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy”.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc- ảnh tư liệu. Ảnh: N.Linh |
Cũng tại điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, sản phẩm sản xuất, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định pháp luật hải quan được miễn thuế nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhưng không sử dụng hoặc hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất nhưng không xuất khẩu sản phẩm thì không được miễn thuế nhập khẩu, người nộp thuế phải đăng ký tờ khai hải quan mới và kê khai, nộp thuế với cơ quan Hải quan theo mức thuế suất và trị giả tính thuế của hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới, trừ trường hợp làm quà biếu, quà tặng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này”.
Theo đó, đối chiếu với các quy định trên, việc xử lý thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, sản phẩm sản xuất xuất khẩu, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất công ty có nhu cầu tiêu hủy được thực hiện theo các trường hợp cụ thể sau.
Cụ thể đối với trường hợp tiêu hủy nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, phế liệu, phế phẩm, thành phẩm (xe máy), nguyên liệu, vật tư nhập khẩu chưa đưa vào sản xuất; phế liệu (nguyên liệu, vật tư loại ra do bị oxi hóa, vỡ hỏng trong quá trình sản xuất... không còn giá trị sử dụng ban đầu); phế phẩm (xe máy không đạt chất lượng khi kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng) cần tiêu hủy xảy ra 2 trường hợp. Thứ nhất, trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định pháp luật hải quan thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm đ khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.
Thủ tục tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm thực hiện theo quy định tại Điều 72 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Thứ hai, trường hợp sau khi tiêu hủy thu được sản phẩm khác công ty tận dụng để bán vào nội địa thì phải kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng cho cơ quan Thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Đối với thành phẩm đủ chất lượng trước khi xuất xưởng nhưng sau đó đưa đi thử nghiệm rồi tiêu hủy hoặc không tìm được thị trường xuất khẩu buộc phải tiêu hủy trong trường hợp sản phẩm sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu thì được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu sau khi tiêu hủy thu được sản phẩm khác công ty tận dụng để bán vào nội địa thì phải kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng cho cơ quan Thuế theo quy định.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết thê, trường hợp sơ hủy nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, thành phẩm (xe máy), bán thành phẩm sản xuất xuất khẩu để bán vào nội địa không được coi là phế liệu và không thuộc các trường hợp được miễn thuế nhập khẩu.
Theo đó, công ty phải kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế đối với nguyên liệu, vật tư đã được sử dụng để sản xuất ra thành phẩm, bán thành phẩm phải sơ hủy.
Trong đó, trị giá tính thuế nhập khẩu là trị giá do doanh nghiệp khai báo theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ý kiến bạn đọc