Lợi nhuận ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng vì lãi dự thu lớn

(HQ Online) - Lãi và phí dự thu là những khoản lãi và phí ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng. Tuy nhiên, khi con số này lớn và có xu hướng tăng lại sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận thực tế của các ngân hàng.
Trích lập dự phòng rủi ro để xóa nợ, ngân hàng vẫn đẩy mạnh thu hồi nợ
Infographics: Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2021
Ba “ông lớn” ngân hàng kinh doanh như thế nào nửa đầu năm?
Đã có ngân hàng được nới room tăng trưởng tín dụng thêm 6%, lên 17,4% cho năm 2021. Ảnh: Internet
Lãi dự thu lớn dẫn đến chưa phản ánh thực chất lợi nhuận ngân hang. Ảnh: Internet

Đến thời điểm này, các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bên cạnh con số lợi nhuận tăng mạnh thì chỉ số về lãi và phí dự thu, nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh.

Cụ thể, tại MB, lãi và phí dự thu thu tính đến ngày 30/6/2021 tăng 17,7%, lên hơn 4.500 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng 16,6%, lên gần 21.000 tỷ đồng. Techcombank cũng ghi nhận các khoản dự thu tăng 42,4%, lên gần 23.500 tỷ đồng; lãi và phí dự thu hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 9,6%. ABBank cũng có lãi và phí dự thu là gần 980 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

VietinBank cũng có xu hướng này khi các khoản dự thu tăng 35% lên gần 31.000 tỷ đồng; phí, lãi dự thu tăng 24% lên gần 9.700 tỷ đồng. Các khoản dự thu của VPBank cũng tăng khá mạnh 54% từ hơn 17.400 tỷ đồng lên hơn 26.800 tỷ đồng. Hay tại Vietcombank, các khoản dự thu cũng tăng 53% lên trên 10.170 tỷ đồng…

Ngược lại, SCB và Sacombank là 2 ngân hàng có lãi dự thu, các khoản dự thu giảm nhẹ. Lãi, phí dự thu của Sacombank giảm 20% xuống còn hơn 14.000 tỷ đồng. Tuy giảm, nhưng số lượng lãi dự thu của SCB vẫn còn rất lớn lên tới hơn 85.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các ngân hàng.

Ngoài ra, quan sát báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy, nhiều khoản lãi dự thu được “treo” trong thời gian khá dài, cho thấy rủi ro nợ xấu tiềm ẩn cũng như tính thực chất của lợi nhuận.

Theo các chuyên gia, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực, con số lãi dự thu càng lớn và có xu hướng tăng lên sẽ tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng, trong khi con số nợ xấu chưa được phản ánh đầy đủ trên sổ sách.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của ngành ngân hàng đều khởi sắc nhưng cần được nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ.

"Trong đó, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa", ông Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ.

Ngoài ra, ông Hùng còn nhìn nhận, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính của các ngân hàng. Việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ làm tăng áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nên nợ xấu có thể sẽ tăng nhanh, trong khi các khoản nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý.

Trước đó, vào tháng 5/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có văn bản cảnh báo gửi các tổ chức tín dụng. NHNN cho hay, qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của năm 2020, NHNN nhận thấy một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như: Nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; lãi dự thu từ hoạt động tín dụng tăng tăng đáng kể, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Vì thế, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN, đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều