Lo ngại cản trở hợp tác khi hạn chế mức tiền gửi tại quỹ tín dụng nhân dân

(HQ Online) - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, quy định tổng mức nhận tiền gửi không vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu gây ra nhiều khó khăn, cản trở nhu cầu hợp tác, góp vốn, huy động vốn nhàn rỗi từ nhân dân của quỹ tín dụng nhân dân (TDND).
Hà Nội chỉ đạo gỡ khó cho Quỹ tín dụng nhân dân Một quỹ tín dụng nhân dân vào diện kiểm soát đặc biệt Thủ tướng chỉ thị củng cố vững chắc hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân
Quỹ góp phần đẩy lùi các mô hình rủi ro như chơi hụi, tín dụng đen. Ảnh: ST
Quỹ TDND góp phần đẩy lùi rủi ro tín dụng đen tại các khu vực nông thôn. Ảnh: ST

Các quỹ TDND đã phát triển đúng hướng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 4/2023, toàn hệ thống có 1.180 quỹ TDND hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá, trong thời gian qua, cơ bản hoạt động của các TDND an toàn, lành mạnh, một số nơi có hạn chế cũng đã sớm được phát hiện và chấn chỉnh ngay. Nhiều quỹ đã có sự phát triển đúng hướng, ổn định hơn.

Tổng tài sản toàn hệ thống quỹ TDND đạt gần 171.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền gửi khách hàng đạt gần 151.000 tỷ đồng, tăng 6,2%; tổng dư nợ cho vay đạt hơn 131.100 tỷ đồng, giảm 1,4%; vốn chủ sở hữu đạt hơn 11.855 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận là 0,67% tổng dư nợ, trong khi năm 2021 và 2022 tỷ lệ nợ xấu đều ở mức 0,64%.

Trong cuộc họp hồi đầu tháng 7/2023 về tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống quỹ TDND, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, hoạt động ngân hàng hiện đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ thế giới lẫn trong nước. Nhiều vấn đề cần được giải quyết lúc này như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu, đồng thời phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống. Vì thế, ngành ngân hàng xác định việc đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của quỹ TDND là việc làm thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên, công tác quản lý hệ thống quỹ TDND còn một số tồn tại, hạn chế khi vẫn xuất hiện một số quỹ TDND yếu kém, trong đó có quỹ TDND phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Công tác xử lý pháp nhân của các quỹ TDND là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của quỹ TDND tại một số địa phương chậm được xử lý.

Theo các chuyên gia, quỹ TDND hoạt động hiệu quả, thiết thực giúp phục vụ đời sống kinh tế - xã hội của người dân, hạn chế nạn “tín dụng đen” hoành hành ở các khu dân cư, nhất là vùng nông thôn. Nhưng các quỹ TDND đang ngày càng chịu áp lực cạnh tranh từ các công ty tài chính, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại trong cả huy động vốn và cho vay. Do quy mô nhỏ nên các quỹ này không có được sự đa dạng về các sản phẩm tiền gửi hay có năng lực tài chính để thực hiện các chương trình khuyến mãi như các ngân hàng thương mại.

Cần xử lý những hạn chế, hoàn thiện hành lang pháp lý

Hiện hoạt động của các quỹ TDND đang chịu sự quản lý của Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ban hành ngày 14/11/2019 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ TDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ TDND (Thông tư 21).

Trong văn bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) đã chỉ ra một số khó khăn và vướng mắc của Thông tư 21 đến hoạt động của các quỹ TDND.

Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, quy định “địa bàn hoạt động của quỹ TDND là một xã, một phường hoặc một thị trấn” đang bó hẹp hoạt động của các quỹ bởi quy định về hoạt động của các quỹ giống như của HTX (tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật...) nhưng HTX lại không bị giới hạn về địa bàn và phạm vi hoạt động như các quỹ.

Vì thế, quy định này không chỉ bó hẹp chức năng, quyền hạn, giảm tính tự chủ và sự cạnh tranh lành mạnh của quỹ TDND với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn mà còn gây nên rất nhiều khó khăn cho các quỹ hoạt động. Nhiều quỹ đã có bề dày hoạt động nhiều chục năm, địa bàn hoạt động trên nhiều xã, phường, thị trấn, nay phải thu hẹp lại đã dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện, mất niềm tin của thành viên...

Ngoài ra, quy định quỹ TDND phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu cũng được Liên minh HTX Việt Nam cho rằng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, cản trở nhu cầu hợp tác, góp vốn, huy động vốn nhàn rỗi từ nhân dân của quỹ, hạn chế sự phát triển của một tổ chức kinh tế tập thể, không phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường.

Cũng về vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quỹ TDND đã và đang đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn, đảm bảo mục tiêu về chiến lược tài chính toàn diện.

Ông Hiếu cho rằng, NHNN nên mở rộng địa bàn hoạt động của quỹ TDND thành một tỉnh vì nếu quá hạn hẹp sẽ gây nguy cơ gia tăng rủi ro vì số người dân đi vay hạn chế, đặc biệt là những người không vay được sẽ tìm đến tín dụng đen. Vị này cũng nêu, quy định đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu là không hợp lý. Quỹ TDND có thể huy động càng nhiều càng tốt, nhưng cho vay ra cần có giới hạn với điều kiện quỹ phải đảm bảo tính thanh khoản, có khả năng để thanh toán và trả lãi cho khách hàng khi đến hạn.

Để đảm bảo hệ thống quỹ TDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đề nghị các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống quỹ TDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương. Phó Thống đốc yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý; tập trung xử lí khẩn trương các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đọc nhiều