Kiểm soát hiệu quả chất lượng pháp luật thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân "cất cánh"

(HQ Online) - Theo VCCI, việc hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chưa đầy đủ hoặc có vướng mắc để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết.
Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước
Kinh tế tư nhân chưa thể vượt qua “cái bóng” khổng lồ của khu vực FDI
Để kinh tế tư nhân thật sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến đối với dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

2214-img-2277
Cần có những giải pháp để tạo động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân trong nước phát triển. Ảnh: H.Dịu

Tháo điểm nghẽn về pháp luật

Theo Bộ KHĐT, dự thảo được xây dựng nhằm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Bởi theo cơ quan này, kinh tế tư nhân đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Tuy nhiên, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân do phần lớn các doanh nghiệp khu vực này ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ (chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp).

Vì thế, dự thảo Chương trình hành động đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu. Gồm: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân; tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.

Cho ý kiến về những nhiệm vụ như trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc có vướng mắc để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế tư nhân là rất cần thiết.

Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Tuy nhiên, theo VCCI, vẫn xuất hiện hiện tượng một số quy định dự kiến ban hành hoặc mới ban hành làm gia tăng chi phí một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có cơ chế để kiểm soát hiệu quả hơn chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh đang soạn thảo, đồng thời với hoạt động rà soát, kiến nghị các chính sách hiện hành.

Ví dụ, đối với các quy định về điều kiện kinh doanh, VCCI cho rằng, trong quá trình xây dựng văn bản, cần có ý kiến đánh giá về điều kiện kinh doanh của Bộ KHĐT; các ý kiến thẩm định của văn bản có quy định về điều kiện kinh doanh phải có đánh giá/ý kiến riêng về điều kiện kinh doanh; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật…

Cụ thể hóa tối đa các mục tiêu và lộ trình thực hiện

Ngoài ra, để chương trình hành động được triển khai hiệu quả trên thực tế, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc cụ thể hóa tối đa các mục tiêu và lộ trình thực hiện của các nhiệm vụ đã nêu. Việc cụ thể hóa các mục tiêu và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động sẽ tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi, đánh giá việc thực hiện sau này.

Cũng nhận xét về vấn đề này, đại diện Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu không chỉ đến từ nội tại doanh nghiệp mà còn từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, khiến không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Do vậy, chính sách trong trung và dài hạn cần hướng đến việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Mặt khác, VCCI nhận định, nước ta vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế tư nhân, khiến cho việc xây dựng chính sách, chương trình phát triển kinh tế tư nhân chưa bao trùm được các nhóm đối tượng. Ngay cả đối với dự thảo Chương trình hành động hiện nay, dường như các mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu mới chỉ tập trung vào nhóm đối tượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân (đóng góp 10% GDP), mà ít đề cập tới nhóm đối tượng hộ kinh doanh (đóng góp tới 30% GDP).

Do vậy, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét, nghiên cứu để có sự thống nhất về phạm vi khái niệm “kinh tế tư nhân” trong Dự thảo Chương trình hành động.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đọc nhiều