Giải “bài toán” tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Ngày 25/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp tổ chức Hội thảo: "Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành CNHT".
Hội thảo "Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành CNHT". Ảnh: H.Dịu |
Tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghệ cao chỉ từ 1-2%
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT, trong đó có các chương trình hợp tác quốc tế với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam có nhu cầu về các sản phẩm CNHT.
Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, đến nay cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. Ngoài ra, năng lực sản xuất của ngành CNHT của Việt Nam vẫn hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP.Hà Nội (HANSIBA) cho biết, theo ước tính, tỷ lệ nội địa hóa của ngành chế tạo ô tô chỉ đạt khoảng 5-20%, ngành điện tử là 5-10%, ngành da giày và dệt may khoảng 30%, công nghệ cao chỉ 1-2%... dẫn đến việc các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam phải nhập khẩu hàng chục tỷ USD linh phụ kiện hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu.
Hơn nữa, theo bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhu cầu mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước để tiết giảm chi phí và giảm tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng, song doanh nghiệp CNHT trong nước lại chưa đáp ứng được tiêu chuẩn hàng hóa của các doanh nghiệp FDI.
Cần gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do đa số doanh nghiệp CNHT của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp, không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất của những tập đoàn toàn cầu, doanh nghiệp CNHT có khi phải cần đến khoản vốn đầu tư máy móc, thiết bị lên tới 5-10 tỷ USD.
Đồng quan điểm, đại diện HANSIBA cũng nhận định, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, khả năng phối hợp và tính đồng bộ còn nhiều bất cập, nên sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn còn rất nhiều khó khăn. Theo ông Đinh Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ môi trường Savic, doanh nghiệp CNHT muốn phát triển mạnh đều cần nguồn vốn lớn, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi do nhiều điều kiện được đưa ra khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đáp ứng.
Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp CNHT, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, các cơ quan quản lý cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp cận tài chính hiệu quả để đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Vân kiến nghị cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn với lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp... phù hợp với quy mô, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực CNHT. Hơn nữa, các cơ quan chức năng, các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp như VCCI cần thúc đẩy việc kết nối, bảo lãnh cho các doanh nghiệp CNHT được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ đầu tư, ngân hàng, tổ chức tài chính lớn. Vị này cũng đề xuất giao nhiệm vụ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị đầu mối chủ đạo để tài trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Còn theo ông Tô Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Hanpo Vina, để tiếp cận được nguồn vốn, trước hết, các doanh nghiệp cần phát triển từ nguồn vốn tự có, rồi xây dựng lộ trình phát triển bền vững, đáp ứng được về chất lượng đầu ra, giá thành sản phẩm và năng lực sản xuất. Đây là 3 tiêu chí vừa để các tổ chức tài chính hỗ trợ khoản vay, vừa để đối tác tin tưởng và tăng cường hợp tác.
Ý kiến bạn đọc